Không chỉ riêng Việt Nam mà nhìn chung, nền kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều biến động lớn. Không chỉ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng chung mà đây còn là yếu tố dẫn đến nhiều vấn đề trong đó có thất nghiệp. Vậy thì thất nghiệp là gì? Và đâu là những điều cần biết về thất nghiệp cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này? Theo dõi những thông tin mà Job3s chia sẻ dưới đây để tìm được câu trả lời nhé.
Thất nghiệp là gì?
Từ những tháng cuối năm 2022, không khó để nhận ra những thay đổi lớn của nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Hàng loạt doanh nghiệp đứng trước tình trạng khó khăn về mọi mặt. Làn sóng “layoff” nhân sự cũng diễn ra và ngày càng lan rộng hơn.
Điều này khiến một lượng lớn nhân sự đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu thất nghiệp là gì, bản chất cũng như những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế khi tình trạng thất nghiệp diễn ra với quy mô lớn.
Trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ có định nghĩa riêng cho khái niệm thất nghiệp. Ví dụ như tại Pháp thì đây là khái niệm để chỉ những người ở trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm, có điều kiện làm việc và đang đi tìm việc.
Cùng khái niệm đó tại Thái Lan thì được dùng để chỉ những người không có việc làm, muốn làm việc và có làm việc. Còn theo ILO – Tổ chức Lao động Quốc tế thì thất nghiệp là khái niệm được dùng để chỉ tình trạng một số nhân lực ở trong độ tuổi và lực lượng lao động muốn làm việc nhưng không thể tìm được việc làm ở trong khoảng lương phổ biến.
Tuy nhiên, tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại thì chưa có bộ luật hay văn bản hiện hành nào quy định rõ ràng về khái niệm thất nghiệp là gì. Hiểu một cách đơn giản thì thất nghiệp là một tình trạng khá phổ biến đối với nền kinh tế thị trường.
Tình trạng này xảy ra khi nhu cầu sử dụng lao động ít hơn nguồn cung hoặc do nhiều lý do khác nhau. Nói một cách ngắn gọn, thất nghiệp là từ dùng để tình trạng một số lượng người ở trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động nhưng lại không có việc làm, không có thu nhập hoặc đang tìm kiếm việc làm.
Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp là gì? Và liệu thất nghiệp trên quy mô lớn có ảnh hưởng gì tiêu cực đến nền kinh tế hay không? Hãy cùng theo dõi tiếp bài viết để có được câu trả lời nhé.
Phân loại thất nghiệp
Để có thể giải quyết và khắc phục triệt để tình trạng thất nghiệp thì điều cơ bản nhất chính là phân loại thất nghiệp. Dựa trên các đặc điểm riêng biệt mà thất nghiệp được chia thành 3 loại chính là theo đặc trưng, theo lý do hoặc tính chất. Cụ thể như sau:
Phân loại dựa trên đặc trưng của lao động thất nghiệp
Phân loại dựa trên đặc trưng của đối tượng là hình thức khá thường gặp khi phân loại thất nghiệp. Phương thức này dựa trên các đặc điểm của đối tượng là lao động thất nghiệp để chia thành từng loại khác nhau.
Việc phân loại bằng phương thức này giúp hiểu rõ hơn về các đặc điểm, tính chất cũng như mức độ tác hại của từng loại thất nghiệp. Đây cũng là tiền đề để giải quyết hiệu quả và triệt để tình trạng thất nghiệp. Một số loại thất nghiệp được phân chia dựa trên đặc trưng của đối tượng có thể kể đến như: phân loại theo giới tính, độ tuổi, vùng – lãnh thổ, ngành nghề,…
Thất nghiệp dựa trên lý do
Nếu xét về bản chất cũng như lý do dẫn đến sự thất nghiệp của người lao động thì thất nghiệp cũng sẽ được chia thành 3 nhóm nhỏ lần lượt là tự nguyện, không tự nguyện và trá hình. Và nguyên nhân cũng như những tác động của từng loại thất nghiệp này cũng sẽ có phần khác biệt.
- Thất nghiệp tự nguyện hay trường hợp người lao động chủ động nghỉ việc
Trong nền kinh tế thị trường thì mỗi ngành sẽ có những đặc điểm riêng. Từ đó dẫn đến việc chế độ, chính sách dành cho người lao động ở các ngành khác nhau cũng sẽ có sự chênh lệch ít nhiều.
Thế nhưng, điều này cũng dẫn đến tình trạng nhiều công ty, doanh nghiệp đưa ra mức lương hoặc chính sách không phù hợp với nhân sự. Điều này có thể khiến nhân sự và đội ngũ lao động thấy không hài lòng và lựa chọn rời đi.
Hay nói cách khác, đây là khái niệm chỉ việc lao động không chấp nhận làm việc ở mức tiền công đó. Ở tình huống này, nhân sự chủ động nghỉ việc nên còn được gọi là thất nghiệp tự nguyện.
Ngoài ra, nhân sự cũng có thể không muốn làm việc hoặc tạm thời dừng làm việc vì một lý do nào đó như bệnh tật hoặc sinh con,… Và loại thất nghiệp này thì thường chỉ là tạm thời và có thời hạn nhất định.
- Thất nghiệp không tự nguyện hay trường hợp người lao động bị buộc thôi việc
Bên cạnh thất nghiệp tự nguyện thì thất nghiệp không tự nguyện cũng là hình thức khá phổ biến. Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế suy thoái hiện nay thì số lượng nhân sự thất nghiệp không tự nguyện sau các đợt “layoff” nhân sự của các doanh nghiệp là vô cùng lớn.
Hiểu một cách đơn giản hơn thì thất nghiệp không tự nguyện chính là khi người lao động vẫn chấp nhận làm việc ở một mức tiền công nhất định nhưng lại không được làm việc. Điều này có thể được gây ra bởi sự suy thoái nền kinh tế, nhân sự không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hoặc sự chênh lệch giữa cung và cầu trên thị trường lao động,…
- Thất nghiệp trá hình hay hiện tượng khiếm dụng lao động
Ngoài 2 nhóm thất nghiệp trên thì dựa trên lý do còn một loại thất nghiệp nữa chính là thất nghiệp trá hình. Loại thất nghiệp này còn được gọi với cái tên khác là hiện tượng khiếm dụng lao động.
Đây là khái niệm để chỉ trường hợp năng suất làm việc của người lao động thấp hơn mức bình thường. Và loại thất nghiệp này thường gắn liền với việc không tận dụng hết thời gian lao động.
Từ những đặc điểm trên có thể thấy được rằng, tình trạng thất nghiệp của người lao động không phải là vĩnh viễn dù cho nguyên nhân có là gì. Có những người sau khoảng thời gian thất nghiệp nhất định sẽ trở lại làm việc và tham gia vào lực lượng lao động.
Tuy nhiên cũng có những người vì những lý do khác nhau mà phải rời khỏi lực lượng lao động. Một số khác có thể chuyển hướng để tìm kiếm những công việc phù hợp hơn với bản thân và cả sự thay đổi của thị trường.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các con số thống kê tình trạng thất nghiệp chỉ mang tính thời điểm và luôn biến động. Và dù có thể gây nên những tác động không mấy tích cực tới nền kinh tế nhưng không thể phủ nhận rằng sự thay đổi liên tục của tình trạng thất nghiệp có ý nghĩa vô cùng lớn.
Phân loại theo nguồn gốc thất nghiệp
Cùng với đặc trưng và lý do, tình trạng thất nghiệp còn được phân loại dựa trên nguồn gốc diễn ra tình trạng này. Vậy dựa theo nguồn gốc thì thất nghiệp được chia thành những loại nào?
- Thất nghiệp tạm thời
Thất nghiệp tạm thời được hiểu là loại thất nghiệp phát sinh trong các giai đoạn khác nhau của cuộc sống, giữa các công việc hay sự di chuyển giữa các vùng của người lao động. Và loại thất nghiệp này có thể tồn tại cũng như diễn ra kể cả khi nền kinh tế có đủ việc làm.
Ví dụ cụ thể cho loại hình thất nghiệp tạm thời có thể kể đến như nhân sự tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, chuyển đổi công việc để tìm sự phù hợp hơn hay các chị em phụ nữ quay lại làm việc sau khi sinh con,…
- Thất nghiệp có tính cơ cấu
Đây là loại thất nghiệp xảy ra khi sự cân đối giữa cung – cầu của thị trường lao động bị mất đi. Thất nghiệp có tính cơ cấu cũng là loại gắn liền với sự biến động của nền kinh tế nói chung hoặc sự suy thoái của một ngành bất kỳ.
Bên cạnh đó, đây cũng có thể là hệ quả của sự thay đổi về công nghệ. Từ đó đòi hỏi lượng nhân sự hoặc lao động có chất lượng cao hơn. Khi đó, số lượng người không đáp ứng được yêu cầu cũng sẽ đứng trước nguy cơ bị sa thải, nhường chỗ cho lực lượng lao động phù hợp hơn.
Vì gắn liền với sự thay đổi về công nghệ nên đây cũng được biết đến với cái tên khác là thất nghiệp công nghệ. Và trong thời buổi nền kinh tế được công nghệ hóa và hiện đại hóa như hiện nay thì tình trạng thất nghiệp có tính cơ cấu cũng xảy ra thường xuyên hơn.
Nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu sẽ dần bị thay thế bởi lực lượng có chất lượng cao hơn về khả năng ứng dụng công nghệ. Điều này khiến tình trạng thất nghiệp tạm thời tăng lên đáng kể. Và khi tình trạng này diễn ra trên phạm vi rộng hơn thì rất dễ dẫn đến tình trạng thất nghiệp dài hạn cũng như để lại nhiều hậu quả trầm trọng đối với nền kinh tế.
- Thất nghiệp diễn ra do thiếu cầu
Đây là loại thất nghiệp không quá thường xuyên nhưng nếu xuất hiện thì để lại những hậu quả rất nặng nề. Thất nghiệp do thiếu cầu diễn ra khi nhu cầu chung về nguồn lao động giảm xuống. Và nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này chính là sự suy giảm về tổng cầu của nền kinh tế.
Thất nghiệp thiếu cầu còn được biết đến với tên gọi khác là thất nghiệp chu kỳ. Bởi lẽ loại thất nghiệp này gắn liền với thời kỳ suy thoái của các chu kỳ kinh doanh. Khi đó, nhu cầu về số lượng lao động giảm sút trầm trọng và dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt.
Loại thất nghiệp này có thể xảy ra ở bất kỳ đâu dù là nông thôn hay thành thị. Nó cũng có thể tác động tới bất kỳ ngành nghề nào bởi sự gắn liền với sự suy thoái chung.
Có thể nói nhiều ngành trong nền kinh tế nước ta cũng đang đứng trước tình trạng thất nghiệp thiếu cầu. Và nếu không có phương án khắc phục thì những tác động xấu với nền kinh tế là rất đáng lo ngại.
- Thất nghiệp do một số yếu tố ở bên ngoài thị trường
Còn được biết đến với tên gọi là thất nghiệp theo lý thuyết cổ điển hay Classical Unemployment nên thất nghiệp do một số yếu tố bên ngoài thị trường gắn liền với mức lương. Loại thất nghiệp này xảy ra khi mức lương được quy định bởi các lực lượng bên ngoài thị trường lao động.
Tiền lương luôn là yếu tố gắn liền với mức sống của người lao động. Nó không chỉ là yếu tố thể hiện kết quả lao động mà còn có quan hệ trực tiếp với mức sống tối thiểu.
Chính vì thế nên khi mức lương tối thiểu được quy định cao hơn mức lương do quy luật cung – cầu trên thị trường đặt ra thì rất dễ dẫn đến tình trạng thất nghiệp này. Đôi khi, sự cứng nhắc trong quy định về mức lương tối thiểu của một vài quốc gia cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng Classical Unemployment. Bởi lẽ nó trái ngược hoàn toàn với sự năng động và thay đổi không ngừng của nền kinh tế.
Nguyên nhân thất nghiệp là gì?
Thất nghiệp không phải là hiện tượng ngẫu nhiên. Thậm chí, với một số loại hình thất nghiệp thì nếu không xác định được nguyên nhân sẽ rất khó để giải quyết dứt điểm. Và dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng thất nghiệp hiện nay.
- Tình trạng “Thừa thầy thiếu thợ” và nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng là việc nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu. Việc đào tạo một cách ồ ạt, không có kế hoạch dẫn đến tình trạng “Thừa thầy thiếu thợ” đối với đội ngũ người lao động.
Bên cạnh đó, nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp,… tập trung quá nhiều vào lý thuyết mà bỏ qua thực hành. Điều này khiến sinh viên sau khi ra trường khó có thể đáp ứng được những yêu cầu của công việc và dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
- Sinh viên mới ra trường và người lao động không đảm bảo được các kỹ năng mềm cần thiết
Đối với bất kỳ vị trí nào thì kiến thức chuyên môn cũng là điều rất quan trọng. Thế nhưng cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của các kỹ năng mềm trong công việc.
Và hiện nay, khi yêu cầu đối với nhân sự ngày một cao, nhất là ở các ngành nghề đặc thù như dịch vụ thì kỹ năng mềm của người lao động lại càng quan trọng. Nếu không đáp ứng được điều này thì dù có chuyên môn tốt thì người lao động cũng rất khó tránh khỏi việc thất nghiệp.
- Định hướng nghề nghiệp không rõ ràng
Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của khá nhiều sinh viên và thậm chí là cả người lao động lâu năm. Nhiều sinh viên lựa chọn theo học các chuyên ngành chỉ vì thấy dễ hoặc phụ huynh muốn. Một số khác lại lựa chọn học các ngành được nhiều người lựa chọn thay vì các chuyên ngành mình thực sự thích và có khả năng.
Chính vì vậy mà khi hoàn thành việc học, gia nhập thị trường lao động, nhiều người không biết nên chọn công việc nào. Điều này không chỉ khiến người lao động mất đi cơ hội mà còn vô hình ảnh hưởng đến nguồn cung nhân lực của các ngành khác nhau. Đặc biệt, chất lượng lao động cũng sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng.
- Bị động trong quá trình tìm việc và ảnh hưởng bởi tình trạng tuyển dụng không minh bạch
Và một trong những nguyên nhân không thể bỏ qua chính là sự bị động của chính những nhân sự đang tìm việc làm. Thay vì chủ động nắm bắt cơ hội thì nhiều người lựa chọn phụ thuộc vào các nền tảng tuyển dụng, các mối quan hệ xung quanh.
Điều này chính là lý do dẫn đến việc ứng viên bỏ lỡ các cơ hội phù hợp với năng lực và bản thân mình. Từ đó trực tiếp ảnh hưởng tới tình trạng thất nghiệp.
Ngoài ra thì sự ảnh hưởng của các chính sách tuyển dụng không minh bạch như chính sách người quen, người nhà,… cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Doanh nghiệp có thể để vụt mất những nhân tài và phía người lao động có thể bị kéo dài thời gian thất nghiệp.
Có thể thấy rằng tình trạng thất nghiệp bị ảnh hưởng bởi cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì cũng không thể phủ nhận rằng tình trạng thất nghiệp đã và đang để lại những tác động không mấy tốt đẹp đối với nền kinh tế.
Tác động của thất nghiệp đối với nền kinh tế
Không phải ngẫu nhiên mà thất nghiệp luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt. Nó luôn tồn tại song hành và có những tác động nhất định đối với nền kinh tế. Dù là tích cực hay tiêu cực thì những tác động này đã và đang để lại những hệ quả rất lớn.
- Tác động trực tiếp tới sự tăng trưởng của nền kinh tế và vấn đề lạm phát
Ảnh hưởng lớn và dễ thấy nhất của tình trạng thất nghiệp chính là sự tác động không mấy tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Thất nghiệp đồng nghĩa với việc một lực lượng lao động không hề nhỏ không được huy động tham gia vào sản xuất và kinh doanh.
Đó cũng được xem là sự lãng phí nguồn lao động – nhân tố cơ bản và cực quan trọng để làm nên sự phát triển kinh tế – xã hội. Tình trạng thất nghiệp tăng lên cả về quy mô lẫn mức độ nghiêm trọng cũng là dấu hiệu cho thấy rằng nền kinh tế đang bị suy thoái.
Không chỉ vậy, tình trạng thất nghiệp cũng ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề lạm phát của nền kinh tế. Sự suy thoái do thiếu vốn đầu tư, thất thu thuế cùng sự tăng lên đáng kể của nguồn ngân sách hỗ trợ người lao động mất việc làm cũng để lại những hậu quả khó lượng. Và nếu không kiểm soát tốt thì việc nền kinh tế bị đẩy đến bờ vực lạm phát là điều tất yếu.
- Ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp tới mức thu nhập cũng như đời sống của người lao động
Với người lao động thì thu nhập là yếu tố quyết định mức sống. Người lao động thất nghiệp cũng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập.
Đây là lý do dẫn đến sự suy giảm về mức sống của cả người lao động lẫn cả gia đình họ. Họ cũng sẽ mất đi khả năng tự đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp và trở lại với thị trường lao động.
Không những vậy, cuộc sống của những thành viên khác trong gia đình cũng sẽ bị ảnh hưởng như con trẻ có thể không được đến trường, vấn đề sức khỏe cũng không được chú trọng vì thiếu kinh tế,… Thậm chí, việc thiếu thốn về vật chất có thể đẩy con người vào sự bần cùng, là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm đáng tiếc và không đáng có.
- Gây ra những ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đối với an ninh trật tự xã hội
Một hệ quả cực nghiêm trọng của tình trạng thất nghiệp kéo dài chính là sự ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội. Số lượng những người lao động thất nghiệp tăng lên cũng đồng nghĩa với việc các tình trạng lãn công, bãi công hay biểu tình diễn ra nhiều hơn.
Đặc biệt với các trường hợp lao động thất nghiệp không tự nguyện thì khả năng xảy ra tình trạng biểu tình đòi quyền làm việc hay quyền sống là rất cao.
Không những vậy, thất nghiệp còn là lý do dẫn đến các hiện tượng xã hội tiêu cực. Có thể kể đến như cờ bạc, nghiện hút,… vì quá rảnh rỗi hay trộm cắp do đời sống vật chất thiếu thốn.
Nghiêm trọng hơn, nếu tình trạng thất nghiệp không được xử lý thì sự ủng hộ của người lao động với nhà cầm quyền hay các cấp quản lý sẽ suy giảm khá nhiều. Điều này cũng chính là mầm mống của sự xáo trộn về xã hội hoặc thậm chí là các biến động cũng như sự bất ổn định của chính trị.
Một số quy định của pháp luật liên quan đến thất nghiệp
Nhằm hạn chế cũng như đảm bảo phần nào mức sống cho người lao động bị thất nghiệp thì pháp luật đã có một số quy định liên quan đến vấn đề này. Và người lao động cũng nên biết rõ để đảm bảo quyền lợi của mình, đề phòng trường hợp rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Quy định về việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Với mục đích chính là để hỗ trợ người lao động mất việc làm có một khoản thu nhập nhất định để ổn định cuộc sống thì pháp luật đã đặt ra quy định về bảo hiểm thất nghiệp. Và dưới đây là một số quy định về việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động cần nắm rõ.
- Các đối tượng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định rõ trong Điều 43 Luật việc làm 2013. Theo đó, cả người sử dụng lao động, người lao động và một số đối tượng khác đều có trách nhiệm tham gia bảo hiểm này.
- Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Người lao động và các đối tượng có liên quan đều phải chịu trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp với mức đóng nhất định. Điều này được quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật việc làm 2013.
Theo đó, mức đóng và trách nhiệm của từng bên sẽ được quy định rõ ràng. Ví dụ như người lao động đóng một khoản tương đương 1% lương tháng. Phía sử dụng lao động phải đóng một khoản bằng 1% quỹ lương tháng của những người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra thì phía nhà nước và ngân sách trung ương cũng sẽ hỗ trợ một khoản nhất định. Và mức lương căn cứ để đóng bảo hiểm thất nghiệp chính là mức lương căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội.
- Các quyền lợi được hưởng khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Với mục đích nhằm ổn định và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động bị mất việc nên người tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ nhất định. Theo quy định tại Điều 42 Luật việc làm 2013, người lao động thất nghiệp có tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng 4 chế độ sau:
– Được hưởng trợ cấp thất nghiệp
– Được hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm mới
– Được hỗ trợ học nghề
– Được hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực nghiệp vụ
Tuy nhiên thì các điều kiện để hưởng các chế độ là khác nhau. Mức hưởng chế độ cũng có sự chênh lệch tùy từng đối tượng và mức đóng góp.
- Điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Pháp luật cũng quy định rõ các điều kiện để được hưởng từng chế độ theo bảo hiểm thất nghiệp. Ví dụ như điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định rõ tại Điều 49 Luật việc làm 2013.
Trong khi đó, tại Điều 55 Luật việc làm 2013 cũng quy định rõ về trường hợp được nhận hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề. Còn đối tượng, điều kiện cũng như các quy định về việc hưởng chế độ đào tạo, nâng cao tay nghề được thể hiện rõ trong khoản 1 điều 47 Luật việc làm 2013.
- Mức hưởng bảo hiểm xã hội
Theo quy định thì mức hưởng bảo hiểm xã hội được chia theo từng chế độ khác nhau. Cụ thể như sau:
– Đối với chế độ trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 50 Luật việc làm 2013:
Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng = Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%
Tuy nhiên, mức hưởng sẽ không được vượt quá 5 lần mức lương cơ sở với đối tượng là người thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định. Còn với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức hưởng tối đa không được vượt quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
– Đối với chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm:
Theo những quy định được nêu tại Điều 54 Luật việc làm 2013 thì người lao động có nhu cầu tìm việc làm có thể liên hệ đến các trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương để nhận sự hỗ trợ, tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí.
– Đối với chế độ hỗ trợ học nghề:
Đối với lao động thất nghiệp, mức hỗ trợ học nghề sẽ được chia thành 2 trường hợp là từ 3 tháng trở xuống và từ 3 tháng trở lên. Với trường hợp khóa đào tạo chỉ đến 3 tháng thì mức hỗ trợ được tính theo mức học phí của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên tối đa chỉ được 4,5 triệu đồng/ người/ khóa.
Trường hợp còn lại là người lao động tham gia khóa đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên thì mức hỗ trợ sẽ tính theo tháng. Nhưng mức hỗ trợ này cũng không quá 1,5 triệu đồng/ người/ tháng.
Thời gian thử việc có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP và được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP thì người lao động đang trong thời gian thử việc chưa được tính là có việc làm.
Điều này đồng nghĩa với việc người lao động đang trong quá trình thử việc vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau khi ký hợp đồng chính thức với bên sử dụng lao động thì người lao động mới cần đi thông báo để tạm dừng nhận trợ cấp thất nghiệp.
Thất nghiệp nên làm gì?
Trước nền kinh tế với nhiều biến động và sự suy thoái trên toàn cầu thì thất nghiệp đã và đang là vấn nạn rất đáng lo ngại. Thậm chí, nếu thất nghiệp trong thời gian dài thì rất dễ dẫn đến tình trạng khủng hoảng cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên nếu người lao động biết cách tận dụng thì thời gian thất nghiệp cũng có thể sử dụng vào những việc rất có ích. Vậy khi thất nghiệp nên làm gì?
-
Tận dụng thời gian để tham gia các khóa học chuyên ngành, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn trước khi trở lại lực lượng lao động.
-
Tìm kiếm các công việc mang tính tạm thời để duy trì thu nhập, đảm bảo mức sống trong thời gian thất nghiệp.
-
Điều chỉnh chi tiêu và thiết lập các thói quen tốt về vấn đề tài chính
-
Đầu tư thời gian cho chính mình như đọc nhiều sách hơn, dành thời gian chăm sóc sức khỏe, đi du lịch, ở cạnh gia đình,…
-
Và cuối cùng là chuẩn bị thật tốt, lên kế hoạch cũng như tìm kiếm công việc mới phù hợp hơn với bản thân.
Có thể nói thất nghiệp luôn là nỗi lo của người lao động, nhất là ở thời điểm nền kinh tế đứng trước nhiều vấn đề như hiện nay. Thế nhưng nếu biết cách kiểm soát và tận dụng thì đây cũng là khoảng thời gian rất có ý nghĩa.
Một số vấn đề cần biết về thất nghiệp
- Thất nghiệp trong tiếng Anh là gì?
Thất nghiệp trong tiếng anh được biết đến là unemployed – một thuật ngữ kinh tế học khá phổ biến. Thế nhưng unemployed thường bị nhầm lẫn với jobless.
Cụ thể hơn thì jobless chỉ đơn thuần nhắc đến việc không có việc làm. Còn unemployed là từ dùng để chỉ những người không có việc làm nhưng luôn sẵn sàng để làm việc.
- Thất nghiệp chu kỳ là gì?
Thất nghiệp chu kỳ hay cyclical unemployment được biết đến như một hệ quả của sự thay đổi giữa các chu kỳ kinh tế. Loại thất nghiệp này thường cao hơn mức thất nghiệp tự nhiên và để lại những hậu quả rất khó lường.
Thất nghiệp chu kỳ thường có những đặc điểm như:
– Không có tính ổn định và thường phụ thuộc vào sự suy thoái của các chu kỳ kinh tế
– Thường liên quan đến một số ngành nghề cụ thể
– Có thể trở thành yếu tố làm tăng tốc độ suy thoái kinh tế.
- Tỷ lệ thất nghiệp là gì?
Tỷ lệ thất nghiệp là khái niệm dùng để chỉ phần trăm số người không có việc làm. Đây là một chỉ số báo chậm, có thể tăng lên hoặc giảm đi phụ thuộc vào một số điều kiện cũng như thực trạng của nền kinh tế.
Tổng kết
Trên đây là một số thông tin giúp bạn giải đáp câu hỏi thất nghiệp là gì, cách phân loại cũng như tác động của thất nghiệp đối với nền kinh tế. Từ đó có thể đưa ra được những giải pháp nhằm khắc phục và hạn chế được tình trạng này.
-
Dù chưa được công bố chính thức bằng các văn bản pháp luật nhưng có thể hiểu thất nghiệp là tình trạng một số lượng người ở trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động nhưng lại không có việc làm, không có thu nhập hoặc đang tìm kiếm việc làm.
-
Thất nghiệp được chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên đặc trưng của đối tượng, lý do hay nguồn gốc dẫn đến sự thất nghiệp. Mỗi loại sẽ có những đặc điểm riêng biệt.
-
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp cũng rất đa dạng. Đó có thể là nguyên nhân chủ quan của người lao động hoặc nguyên nhân khách quan của thị trường và nền kinh tế.
-
Thất nghiệp với quy mô lớn và trong thời gian dài có thể để lại những ảnh hưởng, hậu quả rất khó lường với nền kinh tế.
-
Pháp luật có một số quy định về thất nghiệp như việc tham gia bảo hiểm hay các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động cần đặc biệt chú ý.
-
Thất nghiệp là khoảng thời gian mà người lao động không hề mong muốn. Thế nhưng nếu biết cách tận dụng thì người lao động hoàn toàn có thể sử dụng thời gian này để thực hiện một số việc có ý nghĩa trước khi quay lại với lực lượng lao động.
Tìm hiểu các bài viết liên quan:
Những bài viết liên quan:
FTE Là Gì? Làm Sao Để Phân Biệt Headcount Và FTE?
Turnover Rate Là Gì Và Những Điều Nhà Tuyển Dụng Cần Biết
Tìm hiểu ngay các thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong việc làm
Thất nghiệp là gì |
Người tham chiếu trong cv là gì |
Hồ sơ xin việc tiếng anh là gì |
JD công việc là gì |
Bản mô tả công việc là gì |
Cv bản cứng là gì |
Cv là gì |
Nr trong cv là gì |
Cover letter là gì |