Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu, Nguyên Tịch, Thượng nguyên) là một ngày lễ quan trọng của người Việt. Trong ngày này, nhà nhà thường chuẩn bị mâm cơm cúng để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, cầu mong một năm mới bình an, gia trạch khỏe mạnh và rước tài lộc vào nhà. Hãy cùng Ngon Online vào bếp và chuẩn bị mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ và chuẩn nhất nhé!
Gợi ý mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi
Mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng ở miền Bắc, Trung, Nam có thể khác nhau để phù hợp theo phong tục tập quán nhưng đều thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu với tổ tiên, phật thánh.
Theo đó, mâm cúng Rằm tháng Giêng phải có đầy đủ 4 vị trong ẩm thực: vị mặn, vị cay, vị chua và vị ngọt. Các gia đình thường chuẩn bị 2 mâm lễ: cỗ mặn cúng gia tiên và cỗ chay cúng Phật. Nếu gia trạch không thờ Phật thì chỉ cần một mâm cúng tổ tiên là đủ.
Mâm cơm cúng gia tiên
Mâm cỗ cúng gia tiên thường là mâm lễ mặn với các món ăn khá giống với mâm cơm ngày Tết như:
- Bánh chưng
- Hoa quả
- Xôi gấc
- Canh khoai tây nấu sườn
- Nem rán
- Rau tiến vua xào thịt bò
- Cải chíp trần nấm hương
Cách làm mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng:
1. Xôi gấc
– Nguyên liệu: 1 quả gấc, 2 bát nếp, nước cốt dừa, đường, muối, rượu trắng.
– Cách làm:
- Gạo nếp vo sạch, ngâm với nước cốt dừa 9-12 giờ rồi vớt ra, để ráo nước.
- Cắt đôi quả gấc, lấy thịt gấc rồi bóp với một ít rượu trắng cho dậy mùi thơm.
- Trộn đều gạo nếp, gấc và một ít nước cốt dừa. Tùy vào khẩu vị của gia đình mà bạn cho nhiều hay ít nước cốt dừa nhé. Sau đó, cho vào xửng hấp chín.
2. Canh khoai tây nấu sườn
– Nguyên liệu: 4 – 5 củ khoai tây, cà rốt, sườn heo, hành lá, rau mùi, các loại gia vị.
– Cách làm:
- Sườn rửa sạch, trần sơ qua nước sôi pha một ít muối. Sau đó rửa lại sườn rồi hầm với 1 củ hành khô để khử mùi.
- Hành lá, rau mùi, rửa sạch, cắt nhỏ.
- Khoai tây và cà rốt gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt miếng vừa ăn. Khi sườn ninh nhừ thì cho khoai tây, cà rốt vào. Nấu chín thì tắt bếp, cho hành lá, rau mùi vào, nêm nếm vừa ăn.
3. Nem rán
– Nguyên liệu: 200g thịt heo, 200g thịt bò, ngô, 1 củ đậu, 1 củ quà rốt, nấm hương, mộc nhĩ, miến, trứng, bánh đa, nem rạm, hành lá, mùi ta, các loại gia vị.
– Cách làm: Các loại nguyên liệu rửa sạch, thái nhỏ, ướp gia vị vừa ăn rồi gói và rán như bình thường.
4. Rau tiến vua xào thịt bò
– Nguyên liệu: rau tiến vua, cà rốt, 500g thịt bò, các loại gia vị, hành củ, gừng.
– Cách làm:
- Rau tiến vua ngâm trong nước lạnh khoảng 2 tiếng cho nở. Sau đó rửa sạch rồi cắt khoảng 5cm. Cà rốt gọt vỏ, cắt hình chữ nhật dài 5cm rồi luộc chín.
- Thịt bò rửa sạch, ướp với dầu hào và gia vị cho vừa ăn.
- Cho dầu vào chảo, đợi dầu nóng thì cho hành củ băm nhỏ và gừng vào xào thơm rồi cho thịt bò vào. Khi thịt bò chín thì cho ra đĩa. Sau đó cho rau tiến vua và cà rốt vào xào, nêm gia vị vừa ăn thì cho thịt bò vào.
- Cho thịt bò xào rau ra đĩa, rắc thâm một chút hạt tiêu là được.
5. Cải chíp trần nấm hương
– Nguyên liệu: 300g cải chíp, 200 gram nấm hương, các loại gia vị
– Cách làm:
- Cải chíp, nấm rửa sạch.
- Bắc nồi lên bếp, cho 2 thìa dầu ăn vào, đun sôi rồi cho rau vào. Khi cải gần chín, cho nấm hương vào nồi.
- Đợi nấm và cải chíp chín, vớt ra rổ để ráo rồi cho vào đĩa.
Bánh chưng bạn có thể mua hoặc gói tại nhà. Khi cúng, lột bỏ lá, cho ra đĩa và cắt thành từng miếng vừa ăn. Hoa quả chọn những quả tươi, rửa sạch và cũng trình bày ra đĩa để dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Mâm cỗ chay cúng Phật
Với những gia đình theo đạo Phật hay những người quan niệm tránh sát sinh trong ngày Rằm tháng Giêng thì có thể chuẩn bị mâm cúng chay từ 7 đến 25 món khác nhau. Tuy nhiên, lưu ý các món ăn phải có màu sắc phong phú, tượng trưng cho ngũ hành. Hành hỏa là màu đỏ, hành mộc màu xanh, hành thổ màu đen, hành thủy màu trắng và hành kim là màu vàng.
Các món chay cúng Rằm tháng Giêng gồm:
- Xôi lá dứa hạt sen
- Đậu hũ non sốt nấm đông cô
- Rau củ xào thập cẩm
- Canh rau củ
- Gỏi bắp cải tím
Cách làm món chay cúng Rằm tháng Giêng theo gợi ý:
1. Xôi lá dứa hạt sen
– Nguyên liệu: 300g gạo nếp, 150g hạt sen tươi, 1 bó lá dứa, 1 thìa nước cốt dừa, muối, đường.
– Cách làm:
- Lá dứa rửa sạch, để lại khoảng 5 lá để nấu cùng xôi, phần còn lại cắt nhỏ, xay nhuyễn và vắt lấy nước cốt.
- Nếp vo sạch, ngâm trong nước cốt lá dứa khoảng 6-7 giờ rồi vớt ra để ráo. Trộn với 1 thìa muối.
- Đun sôi nước trong xửng hấp, cho lá dứa vào rồi đổ nếp lên trên. Khi hấp, thỉnh thoảng dùng đũa đảo nhẹ tay cho xôi chín đều.
- Trong khi chờ xôi chín, rửa sạch hạt sen, cho vào nồi luộc chín. Khi xôi chín cho hạt sen, 1 thìa nước cốt dừa, ½ thìa đường vào, trộn đều rồi cho ra đĩa.
2. Đậu hũ non sốt nấm đông cô
– Nguyên liệu: 1 gói đậu hũ non tròn dài, 100g nấm đông cô tươi, nước tương, dầu hào chay, dầu mè, 1 thìa bột năng, muối, dầu mẹ và hành củ.
– Cách làm:
- Nấm đông cô rửa sạch, cắt bỏ phần chân già, ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 phút. Sau đó, vớt ra để ráo nước, cắt miếng vừa ăn.
- Hành củ băm nhỏ rồi cho vào chảo nóng phi vàng với 1 thìa dầu mè. Sau đó cho nấm vào xào chín. Nêm nếm dầu hào, nước tương cho vừa ăn. Khi nấm chín, hòa 1 thìa bột năng với nước cho vào chảo, đảo đều rồi tắt bếp.
- Đậu hũ non rửa sạch, cắt miếng tròn nhỏ xếp ra đĩa, bọc màng thực phẩm. Sau đó cho vào lò vi sóng 2 phút để làm chín hoặc chần nhanh qua nước sôi.
- Cuối cùng, cho nấm cùng nước sốt đã nấu vào đĩa đậu hũ non.
3. Rau củ xào thập cẩm
– Nguyên liệu: 500g các loại rau củ theo sở thích như cà rốt, đậu hà lan, bắp non, nấm…dầu hào chay, nước tương, bột nêm chay.
– Cách làm:
- Rau củ rửa sạch, cắt miếng vừa ăn rồi chần sơ qua nước sôi hòa tan 1 thìa muối khoảng 1 phút.
- Bắc chảo lên bếp, cho 2 thìa dầu ăn. Đợi dầu nóng, phi thơm 1 thìa hành củ băm nhỏ rồi cho rau củ vào xào, nêm nếm vừa ăn.
- Đợi rau củ chín thì tắt bếp và cho ra đĩa, rắc thêm ít tiêu là được.
4. Canh rau củ
– Nguyên liệu: 4 củ khoai tây nhỏ, 1 củ cà rốt, ½ bông cải xanh, ½ bông cải trắng, hành lá, các loại gia vị.
– Cách làm:
- Khoai tây, cà rốt gọt vỏ, ngâm vào thau nước pha ½ thìa muối rồi vớt ra, rửa sạch. Bông cải cắt miếng vừa ăn, rửa sạch. Hành lá rửa sạch, cắt nhỏ.
- Bắc nồi nước đun sôi, cho 1 thìa bột nêm chay rồi cho khoai tây, cà rốt vào hầm chín. Sau đó cho bông cải vào, đun thêm 3 phút, nêm nếm vừa ăn rồi tắt bếp.
- Cho canh ra tô, cho hành lá vào.
5. Gỏi bắp cải tím
– Nguyên liệu: 150g bắp cải tím, 1 củ cà rốt, 20g đậu phộng, 1 trái dưa leo, chanh, đường, ớt, muối, rau răm, rau mùi.
– Cách làm:
- Bắp cải thái mỏng, rửa sạch rồi vớt ra rổ cho ráo nước. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt khúc 4-5cm rồi thái sợi nhỏ. Dưa leo gọt bỏ, rửa sạch, chẻ đôi rồi cắt thành các lát mỏng.
- Rau răm, rau mùi nhặt bỏ gốc, rửa sách, cắt nhỏ. Lạc rang chín, giã giập. Chanh vắt lấy nước cốt, ớt cắt nhỏ.
- Pha nước chanh, muối, đường, ớt cho vừa ăn rồi cho vào tô có bắp cải, cà rốt, dưa leo. Trộn đều, nêm nếm vừa ăn, đợi khoảng 15 phút cho gia vị ngấm đều.
- Cho gỏi ra đĩa, rắc lạc đã giã giập lên trên.
Ngoài ra bạn cũng nên chuẩn bị một đĩa trái cây để dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Nên cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào, giờ nào?
Rằm tháng Giêng nên cúng vào ngày nào, giờ nào luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo tín ngưỡng dân gian, thời gian cúng Rằm tháng Giêng tốt nhất nên vào giờ Ngọ, từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Đây là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho sự thành kính của gia chủ. Trường hợp gia chủ không cúng được vào thời gian trên thì có thể cúng trước, từ sáng 14/1 Âm lịch đến trước 7 giờ tối 15/1 Âm lịch.
Lưu ý cần biết khi cúng Rằm tháng Giêng
Để tránh những điều không may mắn, ảnh hưởng đến vận khí và tài lộc của gia đình, khi chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng Giêng cần lưu ý một số kiêng kị như:
- Không dùng hoa quả giả để dâng lên bàn thờ. Nên mua hoa tươi như hoa huệ trắng, cúc vàng, cúc vạn thọ.
- Tuyệt đối không để chung đồ cúng lễ mặn, chay trên bàn thờ hoặc để lẫn lộn đồ cùng. Gia chủ có thể để hoa quả, đồ cúng chay ở bàn trên và đồ cúng mặn ở bàn dưới.
- Khi thắp hương nên thắp theo số lẻ, từ 1 đến 3 nén hương trên mỗi bát hương. Bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm.
- Cần ăn mặc chỉnh tề, không mặc áo cộc, quần đùi khi thắp hương, khấn vái thành tâm để thể hiện sự thành kính với tổ tiên, thần linh.
2 cách nấu canh chay ngon đơn giản nhất
Ăn chay rất tốt cho sức khỏe, vóc dáng và làn da. Đặc biệt, người ăn chay thường có tuổi thọ cao hơn những người khác. Vì thế, nếu không theo bất kỳ tôn giáo nào bạn cũng có thể lựa chọn chế độ ăn chay để cơ thể và…
Cách làm 2 mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng trên đây khá đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các món ăn. Không chỉ vậy, với mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng này, chị em chỉ cần 1 tiếng đồng hồ để thực hiện, rất phù hợp với các gia đình thành thị, công việc bận rộn.