Bánh tét là một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết Việt Nam. Từng hạt nếp dẻo mềm, thơm mùi đậu xanh hòa quyện một chút vị beo béo của thịt heo đã trở thành hương vị truyền thống. Bài viết sau sẽ hướng dẫn cho bạn cách gói bánh tét ngon, dẻo và ưng ý nhất trong mỗi dịp Tết đến Xuân về. Hãy cùng bắt tay vào thực hiện ngay nào!
- Cách làm bánh chưng xanh
- Cách làm bánh tét ngon ngày Tết
Hướng dẫn chi tiết cách gói bánh tét ngon, chuẩn vị Tết cổ truyền
Nguyên liệu:
- Gạo nếp: 2 kg (khoảng 6 đòn bánh tét).
- Thịt ba rọi: 800 gram.
- Đậu xanh: 700 gram.
- Hành tím: 3 – 5 củ.
- Tỏi: 3 – 5 tép.
- Gia vị: muối, đường, tiêu, bột ngọt, hạt nêm.
- Lá chuối.
- Lạt hoặc cuộn dây nilon.
Hướng dẫn cách gói bánh tét:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Lá chuối rửa sạch, đem phơi héo hoặc trụng qua nước sôi rồi để ráo.
- Vo sạch nếp rồi ngâm trong nước có pha 1 muỗng cà phê muối trong khoảng 6 tiếng. Sau đó đổ ra rổ, để ráo nước.
- Đậu xanh vò sạch, ngâm trong nước khoảng 4 tiếng rồi xả qua nước lạnh. Sau đó, đem hấp chín, đánh nhuyễn và xào nhanh với 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường, hành tím.
- Thịt ba rọi rửa sạch, trần sơ qua nước sôi, cắt thành sợi dài 10 cm, vuông 1cm. Sau đó, cho thịt vào tô, cho ½ muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng hạt tiêu, hành tím, tỏi băm nhỏ, trộn đều và ướp thịt trong 30 phút cho gia vị thấm vào bên trong.
Bước 2: Cách gói bánh tét ngon
- Xé/cắt lá chuối bọc bên ngoài hình vuông khoảng 25cm, lá nhỏ phía trong 15 cm. Lá bịt đầu có chiều dài 15cm, cắt ngang 5cm.
- Trải 1 miếng lá chuối lớn ra mâm, lưu ý mặt có gân lá chuối phải hướng ra phía ngoài. Tiếp tục trải thêm một lớp lá chuối nữa sao cho gân lá vuông góc với lớp lá chuối đầu tiên.
- Cho 1 chén nếp vào, dùng tay hoặc muỗng dàn mỏng. Tiếp đến cho nhân đậu xanh, sợi thịt ba rọi và cho thêm một lớp đậu xanh, một chén nếp lên trên.
- Nắm 2 mí lá gấp lại. Lưu ý, mép 2 lá chuối phải chênh nhau để khi cuộn tròn lại, các lớp lá khít sát với nhau để nước không thấm vào bên trong gây nhão bánh.
- Dùng dây lạt buộc ngang, ở giữa đòn bánh.
- Bẻ một đầu lá dằn xuống. Dùng tay vỗ nhẹ vào đòn bánh cho nếp bên trong chạy đều rồi dùng kéo cắt bớt lá dư.
- Gấp đầu lá thành hình vuông, đặt 2 miếng lá bịt đầu chéo nhau rồi dùng dây lạt buộc chặt rồi làm tương tự cho đầu bánh còn lại.
- Để 2 đầu lá không bung rách, tiếp tục dùng dây lạt buộc chặt đầu đòn bánh theo chiều dọc.
- Cuối cùng, bạn buộc thêm 6 – 8 vòng ngang, xoắn phần dây thừa cuộn lại vào bên trong.
Bước 3: Nấu bánh
- Lót một vài lá chuối dưới đáy nồi rồi đổ đầy nước, đun sôi.
- Xếp toàn bộ bánh tét vào nồi, nấu vừa lửa khoảng 3,5 – 4 tiếng.
- Sau khi luộc bánh khoảng 1,5 tiếng, bạn nên đảo bánh lại cho nếp chín đều. Ngoài ra, cần lưu ý thêm nước vào nồi khi luộc bánh nhằm tránh trường hợp nồi khô nước khiến bánh bị cháy.
- Sau khi bánh chín, bạn vớt bánh cho ra rổ cho ráo nước, bánh nguội là đã có thể thưởng thức.
Cách làm bánh tét nếp cẩm nước dừa thơm ngon, đẹp mắt
Nguyên liệu làm bánh tét nếp cẩm:
- Gạo nếp: 2kg.
- Cơm dừa già: 800 gram.
- Đậu xanh: 700 gram.
- Thịt ba rọi: 800 gram.
- Lá cẩm: 1 bó.
- Hành tím: 3 – 5 củ.
- Tỏi: 3 – 5 tép.
- Gia vị: muối, đường, tiêu, bột ngọt, hạt nêm.
- Lá chuối.
- Lạt hoặc cuộn dây nilon.
- Giấy bạc.
Cách làm bánh tét nếp cẩm:
– Cách làm nhân bánh tét:
- Cho khoảng 1 lít nước vào phần cơm dừa đã chuẩn bị, xay nhuyễn rồi vắt lấy nước.
- Đậu xanh vò sạch, ngâm nở khoảng 4 tiếng. Sau đó vớt ra và nấu chín với 2 chén nước cốt dừa.
- Cho 5 muỗng canh dầu ăn vào chảo, bật bếp và đợi đến khi dầu ăn nóng cho hành lá vào. Tiếp đó, cho đậu xanh, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê tiêu và 1 muỗng cà phê đường, đảo đều tay.
- Thịt ba rọi rửa sạch, trần qua nước sôi và cắt thành sợi dài 10cm, vuông 1cm.
- Cho 1 phần đậu xanh ra giấy bạc, cho thịt ba rọi vào giữa rồi cho thêm một lớp đậu xanh lên trên, nắn lại thành hình trụ tròn.
– Cách làm vỏ bánh tét lá cẩm:
- Lá cẩm lặt lấy lá, rửa sạch.
- Cho lá cẩm vào nồi, cho 2 chén nước lã vào, nấu sôi đến khi còn lại 1 chén nước. Sau đó, lọc bạn lọc bỏ xác lá.
- Cho 1 chén nước lá cẩm và 2 chén nước cốt dừa vào chảo, đun sôi đến khi còn lại 2 chén. Sau đó cho nếp và 2 muỗng cà phê muối vào xào đều tay. Khi thấy nếp ráo, hơi có nhựa thì tắt bếp. Khi đó nếp sẽ có màu tím của lá cẩm vô cùng bắt mắt.
Về cách gói bánh tét nếp cẩm nước dừa và nấu bánh tương tự như cách làm bánh tét nhân đậu xanh thịt mỡ truyền thống. Ngoài ra với những hướng dẫn cách làm vỏ bánh tét trên đây, bạn cũng có thể làm bánh tét tam sắc, ngũ sắc đẹp mắt bằng cách làm vỏ bánh gồm nhiều màu khác nhau như màu xanh của lá dứa, màu cam của gấc…
Bên cạnh nhưng đòn bánh tét nhân đậu xanh thơm nứt mũi, bạn còn có thể thử cách gói bánh tét nhân chuối vừa dẻo vừa lạ miệng nhân dịp Tết đến Xuân về. Cụ thể, nhân bánh được làm từ 12 trái chuối sứ/1kg gạo nếp, ướp muối đường thay vì đậu xanh và thịt mỡ như bánh tét truyền thống. Vị ngọt ngọt của chuối sẽ hòa quyện với mùi thơm, dẻo từ nếp, mang tới một món ăn ngon khó cưỡng.
Cách bảo quản bánh tét được lâu, không bị hỏng mốc
Để bảo quản bánh tét được lâu mà không bị hỏng, mốc, bạn có thể tham khảo một vài gợi ý dưới đây:
- Lá bánh trước khi gói phải được rửa sạch, để ráo nước.
- Sau khi nấu chín, nên dùng khăn ướt lâu sạch bên ngoài bánh.
- Khi mới vớt bánh ra nên để bánh tét ra rổ hoặc treo ở nơi thoáng mát, không bụi bặm. Tuyệt đối không để bánh trong túi nilong hoặc trong tủ vì dễ khiến bánh bị hầm hơi và nhanh ôi thiu.
- Bánh tét sau khi nấu có thể sử dụng trong 2-3 ngày. Nếu bạn muốn sử dụng lâu hơn có thể bảo quản bánh trong tủ lạnh. Tuy nhiên cần lưu ý, khi bảo quản bánh tét trong tủ lạnh cần để nguyên lá gói, ăn đến đâu cắt đến đó. Nên dùng nilong bao kín phần mặt cắt để nếp không bị khô, cứng lại.
Gợi ý 3 cách “biến tấu” bánh tét độc đáo, ngon miệng hơn
Thay vì ăn bánh tét theo cách thông thường, bạn hoàn toàn có thể “biến tấu” bánh tét thành một món ăn ngon miệng và mới lạ hơn với một số cách chế biến vô cùng đơn giản.
Bánh tét chiên giòn chấm tương mặn ngọt
Nguyên liệu:
- Bánh tét.
- Nước tương.
- Tương ớt.
- Tương cà.
- Dầu ăn.
- Đường.
- Nước ấm.
- Ớt.
Cách làm:
- Bánh tét lột sạch lá, cắt thành khoanh tròn dày khoảng 1 – 2 cm.
- Dùng muỗng tán đều khoanh bánh để nhân và nếp hòa quyện với nhau.
- Cho 1 muỗng canh dầu ăn vào chảo chống dính, bắt chảo lên bếp, đợi dầu nóng thì cho bánh vào, chiên vàng đều 2 mặt. Lưu ý, để bánh không bị nát, bạn chỉ nên lật mặt bánh khi mặt kia đã được chiên vàng.
- Gắp bánh ra đĩa và làm nước chấm ăn kèm.
- Cho 2 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh tương cà, 1 muỗng canh tương ớt và 1 muỗng canh nước ấm vào chén. Tiếp theo cho ½ muỗng cà phê đường, trộn đều là bạn đã có một chén nước chấm thơm ngon. Khi ăn, có thể bỏ thêm một vài lát ớt để làm dậy lên hương vị của món ăn nhé!
Bánh tét nướng lạ miệng
Nguyên liệu:
- Bánh tét.
Cách thực hiện:
- Để nguyên đòn bánh tét hoặc cắt làm đôi. Sau đó, tháo bỏ các dây lạt buộc quanh bánh.
- Chuẩn bị than nướng, để nhỏ lửa. Để bánh không bị cháy nên để 1 hoặc 2 lớp lá chuối trên vỉ rồi mới cho bánh tét lên nướng.
- Cho bánh lên nướng, đảo đều bánh đến khi cháy xém lá gói là được.
Với món bánh tét nướng bạn có thể ăn chung với tương ớt hoặc nước cốt dừa đậu phộng đều được.
Bánh tét rán gà nướng xiên que
Nguyên liệu:
- Bánh tét.
- Phi-lê gà: 400 gram.
- Trứng muối: 4 trứng.
- Hạt nêm, bột ngũ vị hương.
- Tỏi băm nhuyễn, ớt bột.
- Tương ớt.
Cách làm:
- Phi-lê gà rửa sạch, để ráo nước rồi cắt miếng mỏng vừa ăn. Sau đó, cho một muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng tỏi băm, ½ muỗng cà phê ớt bột, 1 muỗng canh tương ớt và ngũ vị hương vào, trộn đều và để khoảng 15 – 20 phút cho thịt gà thấm gia vị.
- Xiên thịt gà vào que tre, nướng chín.
- Bánh tét lột sạch lá, cắt thành khoanh tròn khoảng 1 – 2 cm. Tiếp đến cho bánh vào chảo chống dính không dầu, rán lửa nhỏ đến khi vàng 2 bên mặt bánh.
- Trứng muối luộc chín rồi tách lấy lòng đỏ, cho vào chảo rán sơ.
- Trình bày bánh tét rán ra đĩa, ăn kém với gà nướng, trứng muối và dưa chuột ngâm chua. Món ăn sẽ ngon hơn khi gà vẫn còn nóng.
Học cách làm củ kiệu truyền thống cực ngon cho ngày Tết
Hương vị ngày Tết chắc chắn sẽ không thiếu những món ăn kèm đặc trưng như bánh chưng, dưa món… Trong đó củ kiệu cũng là một trong những món ăn đặc trưng trong ngày Tết ở các vùng Nam Bộ, với công thức chế biến rất đơn giản nhưng…
Với cách gói bánh tét đơn giản trên đây, chúc bạn sẽ làm được những chiếc bánh tét dẻo thơm ưng ý nhất cho mâm cỗ ngày Tết nhé!