Tàu phớ hay còn có một cái tên gọi quen thuộc hơn đó là tàu hũ nước đường rất gần gũi với người dân chúng ta từ thuở xưa đến nay. Chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghe tiếng rao “Tàu hũ đây! Ai ăn tàu hũ không?” của các cô, các chú bán hàng rong. Những chiếc xe nhỏ nhỏ chở một nồi tàu hũ to nóng hổi và thơm lừng mùi đậu nành và lá dứa. Hòa quyện vào đó là mùi nước dừa béo béo và nước đường nấu gừng nghe rất ấm.
Tàu phớ (tàu hũ) là một món ăn vặt vào mỗi xế chiều rất bổ dưỡng được làm từ các hạt đậu nành thơm ngon. Đậu nành không những chứa nhiều các chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho cơ thể (magie, kali, chất xơ, chất ngừa oxy hóa,…) mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch và ngừa ung thư cao. Tuy nhiên, để làm đông nước đậu nành thành tàu phớ (tàu hũ), người ta thường dùng gelatine hoặc thạch cao, là những chất không tốt cho cơ thể. Vì vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình, các chị em hãy đọc ngay công thức cách làm tàu phớ thơm ngon an toàn tại nhà này nhé.
Nguyên liệu
- 100g đậu nành
- 600ml nước sôi để nguội
- 1 thìa cà phê đường nho
Để nước đậu nành có thể đông lại mà không cần dùng đến gelatine hay thạch cao, chúng ta sẽ dùng đường nho. Đường nho có thể giúp làm đông nước đậu nành và cho kết quả tương đương nhau. Tuy nhiên, dùng đường nho sẽ hơi phức tạp một chút
Cách làm tàu phớ với đường nho
Bước 1: Sơ chế đậu nành
Đầu tiên, bạn đem hạt đậu nành ngâm trong nước lạnh 5 – 6 tiếng. Bạn có thể dùng nước ấm để rút ngắn thời gian (3 – 4 tiếng).
Sau khi ngâm xong, bạn rửa lại đậu với nước lạnh rồi bóp đậu đãi vỏ cho đậu ra bớt bọt.
Tiếp đến bạn đem đậu nành đi xay nhuyễn với 200ml nước. Vừa xay bạn vừa đổ từ từ thêm 400ml nước còn lại vào xay đến khi thấy nước đậu đã mịn thì dừng lại.
Bạn cho nước đậu nành lọc qua khăn sữa em bé hoặc lưới lọc lọc vào một chiếc nồi. Khi lọc, bạn lưu ý lọc bỏ bã và hớt bỏ bọt thật kỹ để tàu phớ khi làm xong sẽ mịn hơn và không dễ bị vữa.
Sau khi đã lọc xong, bạn bắc nồi đậu nành lên bếp đun ở lửa lớn. Đậu nành bắt đầu sôi bùng lên thì bạn vặn lửa nhỏ lại. Tránh không để bọt trào ra ngoài. Khi đun, nhớ lưu ý là không đậy vung lại nhé. Trong quá trình đun, bạn nhớ chú ý thỉnh thoảng đảo qua khuấy nhẹ để nước đậu nành không bị khê và hớt bọt. Bạn đun trong khoảng 15 – 20 phút nữa thì có thể tắt bếp để nguội.
Bước 2: Pha đường nho
Trong quá trình đợi nước đậu nành nguội hẳn thì chúng ta tiếp tục đến với khâu pha đường nho.
Khi pha đường nho, bạn cần lưu ý dùng nước lạnh (20ml) để pha 1 thìa đường nho rồi để lắng. Bạn nên pha đường nho vào nồi cơm điện. Vì cơ chế làm đông của đường nho là dùng nhiệt độ cao. Bạn không nên pha đường nho quá sớm hoặc pha với nước nóng. Như vậy đường nho rất dễ bị chua, tàu phớ không thể đông được.
Bước 3: Làm tàu phớ (tàu hũ)
Sau khi đã có nước đường nho và nước đậu nành. Bạn đổ dứt khoát nước đậu nành vào đường nho để đường nho tự hòa tan đều với nước đậu nành và tàu phớ khi làm xong sẽ có độ mịn, đẹp.
Tiếp đến, bạn hớt bọt trên bề mặt bỏ đi rồi đậy hờ nắp nồi cơm điện lại. Bạn tiếp tục đợi trong vòng 30 phút nữa là tàu phờ đã có thể dùng được.
Trong quá trình chờ đợi bạn hãy bắc một chiếc chảo lên và thắng đường với gừng để ăn kèm với tàu phớ nhé. Sẽ ngon lắm đấy.
Chúc các bạn thành công!