Ngày Tết nhà ai cũng phải có món bánh chưng xanh chưng trên bàn thờ nhưng không phải ai cũng biết cách làm bánh chưng. Đây là món ăn truyền thống của người Việt Nam, cho nên tất cả chúng ta ai cũng nên cố gắng học cách làm để sau này dạy lại cho con cháu mình. Ngon.online sẽ hướng dẫn chi tiết các bước làm bánh chưng cho ngày Tết sắp tới. Để có một cái bánh chưng ngon, vuông vức, đẹp không phải là điều đơn giản, đòi hỏi sự khéo kéo, cẩn thận từng khâu, từ bước lựa chọn nguyên liệu làm bánh chưng cho đến bước gói bánh, nấu bánh,.. tất cả đều là nghệ thuật. Giờ thì các bạn đã sẵn sàng để chúng ta bước vào quy trình làm bánh chưng chưa nè?
- Cách làm bánh đúc mặn thịt nóng hổi
- Cách làm bánh tét truyền thống ăn là ghiền
- Cách làm bánh dẻo cho ngày Tết
Nguyên liệu làm bánh chưng
- 1 kg gạo nếp
- 400 gram đậu xanh
- 500 gram thịt ba chỉ
- Lá dong hoặc lá chuối
- Lạt buộc dẻo, mềm
Các chọn nguyên liệu làm bánh chưng ngon
Chọn nếp
Nếp là một nguyên liệu chính nhất, muốn có được một cái bánh chưng ngon thì các bạn phải chọn loại nếp ngon. Người ta hay chọn loại nếp cái hoa vàng, hạt to và đều, có mùi thơm và dẻo.
Chọn đậu xanh
Các bạn nên chọn loại đậy xanh đã bóc vỏ để khỏi mất thời gian bốc vỏ. Bạn có thể mua đậu xanh đã tách vỏ hoặc chưa tách vỏ. Nếu mua đậu đã tách vỏ bạn chỉ cần ngâm đỗ, nhưng đậu chưa tách thì bạn cần ngâm để đỗ tróc vỏ và đãi sạch vỏ.
Chọn thịt ba chỉ
Muốn có thịt ba chỉ ngon các bạn nên mua ở những chỗ quen, nên chọn loại thịt có da mỏng, phần thịt nạc và mỡ tương đường bằng nhau
Chọn lá dong / lá chuối
Người miền Bắc hay dùng lá dong để gói bánh nhưng người miền Trung và miền Nam lại thường hay sử dụng lá chuối. Muốn bánh có màu xanh đẹp tự nhiên thì các bạn nên chọn loại lá dong không quá non hoặc quá già sẽ làm cho màu bánh xấu hơn.
Chọn lạt buộc
Chọn đốt giang có độ dài từ 70 – 90 cm sau đó chẻ từng miếng đều nhau. Nên ngâm ống giang trước khi chẻ để có độ mềm, còn khi chẻ thành lạt thì phơi khô để khi gói bánh sẽ chắc tay, mềm và dễ buộc. Miền nam có thể dùng dây từ thân của tàu lá chuối, dây cũng được chẻ thành những sợi nhỏ phơi khô.
Những nguyên liệu này chỉ cần ra chợ là các bạn có thể mua được tất cả trong cùng một lúc mà không cần mất quá nhiều thời gian.
Nguyên liệu đã được chuẩn bị xong giờ thì chúng ta bắt đầu sơ chế nguyên liệu và làm bánh nhé!
Các bước sơ chế nguyên liệu làm bánh chưng
– Nếp cái hoa vàng vo sạch rồi ngâm với nước lạnh, thời gian ngâm khoảng 12-13 giờ đồng hồ rồi vớt ra trộn một tí muối vào. Để vỏ bánh có màu xanh đẹp hơn bạn có thể cho một ít nước lá dứa vào ngâm cùng với nếp.
– Đậu xanh ngâm khoảng 2 tiếng đồng hồ cho mềm. Vớt ra để ráo rồi lấy chày giã nhuyễn, nắm thành từng nắm, đừng quên bỏ một chút muối và tiêu xay vào nhé!
– Thịt ba chỉ mua về rửa sạch, cắt thành từng khổ dày khoảng 2cm, ướp một chút hạt tiêu xay và muối vào trộn đều.
– Lá dong mua về rửa sạch, cắt bỏ phần gân ở giữa. Lau sạch lá dong trước khi gói bánh.
Sau khi đã sơ chế nguyên liệu chúng ta bắt đầu gói bánh nhé!
Các bước làm bánh chưng
Cách gói bánh chưng không dùng khuôn
Bước 1:
– Xếp 4 lá vuông góc.
– 2 lá dưới úp mặt phải xuống (2 lá dưới để như vậy vì khi bọc bánh lại, phần mặt phải sẽ nằm bên ngoài làm cho bánh đẹp hơn).
– 2 lá trên ngửa mặt phải lên (2 lá trên làm vậy để khi bóc bánh, bánh không bị dính).
Bước 2:
– Cho một chén nếpvào giữa lá dong / lá chuối
– Cho đậu xanh vào và nhấn nhẹ cho phần đậu xanh trũng xuống
– Cho phần thịt vào giữa phần trũng đó
– Cho đâu xanh lên phần thịt nặn nhân sao cho phần đậu xanh bao kín gần hết miếng thịt.
Bước 3:
Cho thêm một lớp nếp lên phần nhân vừa rồi dùng tay san đều sao cho nếp phủ kín nhân.
Bước 4:
– Dùng tay gấp lần lượt lá dong / lá chuối bên phải và trái vào nhưng lưu ý chú ý phải chắc tay. Phần lá thừa thì gập mép lại (gập vào bên trong để giấu lá thừa).
– Gấp phần đầu lá dưới lên, bóp mép 2 bên phần đầu trên của bánh sau đó gấp nốt phần lá thừa ở bên trên lại cho vuông vắn.
Bước 5:
– Dùng 2 chiếc lạt đầu tiên buộc song song nhau để giữ cho bánh chặt, lá không bung ra. 2 chiếc lạt sau vuông góc với hai lạt trước.
Sau đó giỗ bánh xuống bàn để bánh thêm chặt, hoặc lắc thử nếu nghe tiếng nếp bên trong thì bánh chưa được gói chặt, và tiến hành buộc lại cho bánh chặt hơn.
Cách gói bánh chưng bằng khuôn
Bước 1:
– Xếp lá như ở phần gói bánh không dùng khuôn, 2 lá dưới úp mặt phải xuống và đè lên nhau (2 lá dưới để như vậy vì khi bọc bánh lại, phần mặt phải sẽ nằm bên ngoài làm cho bánh đẹp hơn). 2 lá trên ngửa mặt phải lên (2 lá trên làm vậy để khi bóc bánh, bánh không bị dính). Sau đó đặt khuôn lên trên.
– Lồng khuôn trong vào khuôn ngoài, sau đó mở lá và nhắc khuôn trong ra, như vậy bạn đã hoàn thành bước xếp lá thành hình khối vuông rồi đấy.
Bước 2:
– Cho nếp vào dàn đều khuôn bằng phẳng,
– Một lớp đậu xanh (dàn đều khuôn)
– Cho thịt canh giữa khuôn.
– Bước tiếp theo lại cho vào một lớp đậu xanh phủ thịt, cuối cùng là mmột lớp nếp tán đều khuôn. Gói các lá thừa còn lại vào thật kín và gọn.
Bước 3:
– Sau khi cuốn gọn các phần lá thừa, dùng tay nhấn phần lá thừa xuống, tay kia nhấc nhẹ khuôn bánh ra và dùng lạt buộc chặt bánh. Sau khi buộc lại thì các bạn dùng hai tay nén cho bánh dẹp lại.
Cách nấu bánh chưng ngon
Xếp bánh vào nồi cho khéo sau đó đổ nước vào vừa với mặt bánh. Lưu ý trước khi nấu các bạn lót một ít lá chuối ở dưới đáy nồi. Ban đầu đun lửa to để cho nước sôi lên sau đó hạ lửa nhỏ lại. Trong quá trình luộc bánh nước sẽ bị cạn dần nhưng các bạn lưu ý không được đổ nước lạnh vào nhé. Nên đun sẵn một ấm nước sôi, phòng khi nước bị cạn thì các bạn châm thêm nước nóng vào.
Khi bánh chín các bạn vớt ra để ở nơi thoáng mát, dùng vật nặng đè lên 2 mặt bánh để cho bánh săn chắc hơn.
Cách bảo quản bánh chưng sử dụng được lâu
Dưới đây là cách bảo quản bánh chưng sử dụng được lâu mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm nhé:
– Bánh chưng sau khi nấu chín, vớt ra và rửa lại trong nước lạnh cho sạch nhựa bánh và để ráo nước.
– Dùng vật nặng nè bánh để ép bánh cho ra nước, chắc mịn (để cho rền bánh) và phẳng đều trong vài giờ.
– Treo bánh nơi thoáng mát, không bụi.
– Có thể cho bánh vào tủ lạnh, thời gian bảo quản sẽ lâu hơn. Hoặc phần bánh nào chưa dùng đến bạn có thể cho vào ngăn đông tủ lạnh, khi nào dùng lấy ra mang đi hấp cách thủy lại nhé. Thời gian bảo quản ngăn đông tủ lạnh có thể lên đến 1 tháng. (lưu ý thực hẩm bảo quản ngăn đông không nên để quá lâu, ảnh hướng đến chất lượng thực phẩm cũng như sức khỏe người dùng)
Bánh chưng ăn kèm với gì không bị ngán?
Bánh chưng ăn kèm với gì là ngon nhất? Cùng tham khảo xem cách ăn bánh chưng lạ miệng và hấp dẫn nhé:
– Bánh chưng ăn kèm dưa hành. Đây là sự kết hợp amng phong cách miền Bắc.
– Bánh chưng với dưa cải chua và củ kiệu, tôm khô. Đây là sự kết hợp người miền Nam hay sử dụng.
– Bánh chưng ăn kèm rau xanh và hoa quả.
– Bánh chưng cắt nhỏ và chiên giòn, có thể kết hợp với dưa hành, củ kiệu, và nước tương.
Làm bánh chưng không hề dễ, đòi hỏi các bạn phải kĩ lượng trong từng chi tiết, nếu không bánh sẽ không ngon. Với các bước làm bánh chưng ở trên, hy vọng các bạn sẽ thành công!
Theo Ngon.online tổng hợp