Nước đường là nguyên liệu rất thường dùng trong làm bánh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách nấu nước đường như thế nào để không bị lại đường. Hôm nay, Ngon.online sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu nước đường ngon cho món bánh thơm lừng. Các bạn hãy cùng vào bếp với Ngon.online để biết công thức cách làm này nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
Đường – 1kg
Bạn có thể chọn đường trắng, đường nâu hoặc đường vàng tùy ý. Đường trắng sẽ có màu trắng trong, không gây ảnh hưởng gì đến màu sắc của bánh. Còn đường nâu hoặc đường vàng khi nấu xong sẽ có màu đậm hơn do đó có thể sẽ làm ảnh hưởng đến màu sắc của bánh sau khi nướng. Thông thường, làm bánh trung thu, người ta hay dùng đường nâu hoặc đường vàng để bánh được lên màu đẹp.
Chanh vàng – 1 quả
Bạn có thể dùng chanh vàng hoặc chanh xanh bình thường cũng được. Nhưng nếu sợ đắng thì bạn nên chọn chanh vàng nhé. Đây là nguyên liệu rất đặc biệt mà không phải ai cũng biết khi tự nấu nước đường tại nhà. Nước chanh hoặc nước dứa sẽ giúp khắc phục tình trạng lại đường (là hiện tượng đường bị cô đặc lại thành những hạt li ti trong nước đường khi nấu xong). Ngoài ra, nước chanh còn giúp nước đường được thơm và thanh vị hơn.
Cách nấu nước đường
Bước 1: Chanh đem rửa sạch và lau khô. Sau đó, bạn vắt chanh lấy nước cốt, lọc bỏ hạt. Vỏ chanh chúng ta sẽ giữ lại để lát tận dụng tiếp nhé.
Bước 2: Bạn bắc một ấm nước đầy (600ml) lên đun sôi. Tiếp đến, bạn cho đường vào một chiếc nồi lớn. Sau khi cho đường vào, bạn nhớ dùng thìa quét hết lượng đường dính trên thành nồi xuống nhé. Rồi cho 600ml nước sôi vào khuấy đều cho đường tan bớt.
Bước 3: Kế đến, bắc nồi nước đường lên bếp đun sôi rồi hạ lửa nhỏ lại để nồi nước đường sôi lăn tăn, dùng thìa hớt sạch ván bọt trên mặt bỏ đi. Sau đó, bạn cho tiếp nước cốt chanh và vỏ chanh đã chuẩn bị vào nồi, đun ở lửa nhỏ trong khoảng 50 – 65 phút.
*** Lưu ý: Khi cho vỏ chanh vào bạn nhớ úp ngược lại để vỏ chanh nổi lên trên bề mặt nhé. Trong quá trình nấu nước đường này, bạn nhớ là không khuấy hay đảo đều nước đường lên mà chỉ để nước đường và chanh hòa vào nhau một cách tự nhiên để tránh bị hiện tượng lại đường.
Ngoài ra, trong quá trình nấu, nếu có bọt xuất hiện nổi lên trên thì bạn có thể dùng thìa nhẹ nhàng hớt bỏ lớp bọt này đi. Nhưng nhớ là nhẹ nhàng thôi nhé.
Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong các bước nấu nước đường rồi đấy. Giờ chỉ việc ngồi đợi nước đường đạt nữa là hoàn thành rồi.
Làm sau để biết nước đường đã đạt hay chưa?
Đây là câu hỏi rất thường gặp ở các chị em khi học cách nấu nước đường tại nhà. Vì vốn dĩ nước đường là trộn đường với nước là xong rồi. Vậy nấu nước đường là nấu đến khi nào thì gọi là đạt? Ở đây, chúng ta sẽ có 3 cách để thử kiểm tra xem nước đường đã đạt chưa như sau.
Cách 1: Sau khi nấu nước đường được khoảng 40 – 45 phút, bạn múc một ít nước đường ra cho vào một chiếc đĩa bằng. Đặt thìa gần sát mặt đĩa và đợi vài giọt nước đường nhỏ xuống. Nếu nước đường lan rộng lập tức là chưa đủ đạt. Còn nếu nước đường cô đặc và cứng lại là nước đường đã nấu quá, cần cho thêm chút nước vào nấu lại. Nước đường đạt sẽ hơi lan ra một chút trong vài giây đầu nhưng vẫn giữ được dạng tròn khi nhỏ xuống đĩa.
Cách 2: Sử dụng bát nước để thử nghiệm. Bạn cho một giọt nước đường vào bát nước. Nếu nước đường hòa tan lập tức vào trong nước tức là chưa đạt. Nếu nước đường co lại thành viên tròn là đã nấu quá nhiều. Và nước đường rơi xuống mà lan ra thành quầng tròn dưới đáy bát tức là nước đường đã đạt.
Cách 3: Nếu bạn không giỏi ước lượng thì có thể dùng con số cụ thể bằng cách tính trọng lượng để kiểm tra. Với cách này, chúng ta sẽ cân trọng lượng của nồi trước. Sau khi nấu xong, ta sẽ cân tiếp trọng lượng của cả nồi nước đường rồi lấy con số này trừ đi cho trọng lượng của nồi. Nếu từ 600ml nước và 1kg đường ban đầu nấu ra khoảng 1,2kg nước đường thì tức là nước đường đã đạt.
Nước đường chưa đạt là sao để xử lý
Trong trường hợp nước đường chưa đạt thì chúng ta sẽ xử lý đơn giản như sau.
Nếu nước đường quá loãng thì chỉ cần nấu tiếp thêm vài phút nữa rồi lại áp dụng cách thử nước đường như trên đến khi thấy đạt là được.
Nếu nước đường quá đặc (có thể do để quá lâu hoặc nấu ở lửa quá to khiến nước bốc hơi nhanh) thì chỉ cần cho thêm chút nước vào nồi nấu thêm chút nữa rồi dùng phép thử thử lại lần nữa xem đạt hay chưa thì lại tiếp tục cân chỉnh thêm đi khi đạt thì tắt bếp.
Nước đường sau khi nấu xong, bạn tắt bếp, vớt vỏ chanh ra ngoài và để nguội bớt. Trong quá trình đợi nước đường hơi nguội, bạn chuẩn bị một chiếc lọ thủy tinh sạch, khô để sẵn. Sau đó, múc từng thìa nước đường cho vào lọ để bảo quản dùng dần. Nước đường càng đểu lâu sẽ càng ngấu và ngon hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng, bạn nhớ dùng thìa sạch để múc nước đường ra nhé. Chúc các bạn thành công.
Theo Ngon.online tổng hợp