Nhân viên phục vụ là người nhận những yêu cầu của khách hàng, phục vụ thức ăn hoặc đồ uống cho khách hàng sử dụng dịch vụ của quán ăn, nhà hàng hoặc khách sạn. Dưới đây, chúng tôi sẽ gửi đến các bạn mô tả công việc nhân viên phục vụ chi tiết, cung cấp cái nhìn tổng quan nhất về vị trí này.
1. Mô tả công việc nhân viên phục vụ đầu ca
Mỗi nhân viên phục vụ sẽ có ca làm riêng. Mô tả công việc nhân viên phục vụ đầu ca thường chủ yếu xoay quanh bốn đầu việc sau:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, nếu nơi làm có quy định về đồng phục thì người làm ở vị trí này cần tuân thủ theo, chỉnh đốn lại tác phong sao cho chuyên nghiệp và chỉn chu.
- Thực hiện tổng kiểm tra, rà soát khu vực làm việc của bản thân, đảm bảo chỗ làm được vệ sinh sạch sẽ, có đầy đủ các công cụ, dụng cụ, thực đơn, sổ ghi chép để phục vụ khách hàng khi có yêu cầu.
- Sắp xếp bàn ăn, ghế ngồi dựa vào tiêu chuẩn của nơi làm việc.
- Rà soát hệ thống điện, đèn, quạt và hút mùi, đảm bảo hoạt động bình thường. Trong trường hợp gặp sự cố không thể tự xử lý, cần báo cho quản lý hoặc giám sát để khắc phục kịp thời.
2. Mô tả công việc nhân viên khi phục vụ khách hàng
Quy trình phục vụ khách hàng của nhân viên phục vụ thường trải qua rất nhiều bước, phần lớn sẽ đi theo lộ trình, trừ những trường hợp ngoại lệ linh động. Cụ thể, mô tả công việc nhân viên phục vụ nhà hàng như sau:
- Bước 1: Tiếp nhận thông tin và đón khách từ lễ tân
- Bước 2: Hướng dẫn khách đến bàn, gửi menu để khách chọn món và đồ uống. Nếu được yêu cầu, nhân viên phục vụ có thể giới thiệu, tư vấn những món và đồ uống nên thử tại quán, nhà hàng. Ngoài ra, nhân viên phục vụ còn nên chủ động giới thiệu món mới, món đặc biệt hoặc chương trình giảm giá, ưu đãi hay khuyến mãi đến khách hàng, ngay cả khi không được hỏi.
- Bước 3: Ghi thông tin order từ khách, xác nhận lại thông tin về món ăn, đồ uống, số lượng, yêu cầu đặc biệt để tránh sai sót, gây phật lòng khách hàng.
- Bước 4: Chuyển danh sách order cho thu ngân, quầy bar và bếp. Ở bước này, người phục vụ có trách nhiệm phải bám sát quá trình chuẩn bị đồ ăn của bếp, đảm bảo thời gian đợi không quá lâu, vượt quy định của nhà hàng.
- Bước 5: Phục vụ theo đúng order khách yêu cầu, đảm bảo đúng thứ tự, số bàn, món ăn, thức uống và số lượng.
- Bước 6 (nếu có): Nếu khách có yêu cầu khác như rót rượu, thay order, order bổ sung, thêm nước dùng, thêm gia vị, thêm giấy.
- Bước 7 (nếu có): Nếu khách có thắc mắc thì cần có mặt kịp thời, sẵn sàng đáp ứng thắc mắc, yêu cầu giải đáp của khách hàng.
- Bước 8: Trình hóa đơn tại bàn cho khách, hỗ trợ thực hiện thanh toán tại quầy thu ngân. Đồng thời xin khách ghi nhận và đánh giá mức độ hài lòng về món ăn, thái độ phục vụ.
- Bước 9: Tiễn khách rời khỏi quán ăn.
- Bước 10: Trở lại bàn thu dọn, sắp xếp bàn mới để sẵn sàng phục vụ khách hàng tiếp theo.
Trên đây là cơ bản mười bước phục vụ khách hàng của một nhân viên phục vụ, tùy thuộc nơi làm việc mà sẽ có sự thay đổi, tinh chỉnh. Khi đó, nhiệm vụ của người nhân viên là tuân theo, thực hiện đúng và đủ trách nhiệm cá nhân. Các nhà hàng, khách sạn cũng sẽ thường xuyên tổ chức các buổi bồi dưỡng kỹ năng cho nhân viên phục vụ, do đó cần chú ý để làm theo đúng quy định của nhà hàng, khách sạn.
3. Mô tả công việc room service của nhân viên phục vụ
Room service là hình thức phục vụ đồ ăn, thức uống tại phòng cho khách lưu trú, khi khách hàng yêu cầu, nhân viên phục vụ sẽ vận chuyển thực phẩm bằng xe đẩy hoặc khay đến phòng. Mô tả công việc nhân viên phục vụ room service như sau:
3.1. Nhận yêu cầu
Nhân viên phục vụ phải đảm bảo luôn có sẵn bản sao thực đơn, bút và phiếu ghi yêu cầu, đảm bảo tiếp nhận order của khách ngay lập tức. Nhiệm vụ chính của nhân viên ở khâu này là tối ưu hóa trải nghiệm dịch vụ, tăng cơ hội khách trở lại trong thời gian tiếp theo.
Khi tiếp nhận phục vụ room service, nhân viên phục vụ nên thực hiện theo những bước sau đây:
- Bước 1: Nhấc điện thoại sau ba hồi chuông, chào khách bằng tên và bộ phận công tác.
- Bước 2: Ghi lại thời gian cuộc gọi và yêu cầu của khách.
- Bước 3: Sau khi ghi vào phiếu order, nhân viên phục vụ cần nhắc lại thông tin order hoặc chủ động gợi ý thêm món ăn khác.
- Bước 4: Cảm ơn khách đã gọi món, thông báo thời gian chuẩn bị và mang đến phòng.
- Bước 5: Gác máy sau khi khách chủ động dừng.
- Bước 6: Chuyển yêu cầu đến bộ phận bếp.
3.2. Phục vụ tại phòng
Sau khi chuyển yêu cầu order đến bếp, đồ ăn và thức uống sẵn sàng, nhân viên phục vụ cần đặt các đĩa lên khay phục vụ hoặc xe đẩy. Đồng thời chuẩn bị hóa đơn, kiểm tra lại món ăn, dao nĩa, gia vị, khăn ăn đã đầy đủ hay chưa.
Khi đến phòng khách yêu cầu order, hãy gõ cửa để thông báo cho khách rằng bạn đã đến. Bạn nên mỉm cười và chào khách ngay sau khi cửa phòng được mở.
Bước vào phòng, bạn cần tìm vị trí phù hợp để bày thức ăn, tránh đặt lên giường hoặc sàn nhà, để đặt món ăn. Lấy nắp đậy ra để khách xem, đồng thời xác nhận món ăn đã đúng với order.
Sau khi khách hàng xác nhận tất cả món ăn đúng với yêu cầu order, nhân viên phục vụ đưa hóa đơn thanh toán để khách ký nhận. Lưu ý, tất cả hóa đơn phải được ký và không nhận tiền mặt.
Tiếp đến, nhân viên phục vụ cần hỏi khách khoảng thời gian hợp lý để quay lại dọn dẹp. Trước khi rời đi, hãy chúc khách ngon miệng, rời khỏi phòng và đóng cửa cẩn thận.
Khi đến dọn dẹp, hãy gõ cửa như khi bạn mang thức ăn và đồ uống đến. Bạn cần thực hiện công tác thu dọn nhanh chóng để tránh làm phiền không gian riêng tư.
4. Quản lý dụng cụ
Quản lý dụng cụ là một trong những đầu việc không thể thiếu trong bảng mô tả công việc nhân viên phục vụ. Nhân viên phục vụ phải đảm bảo rằng chén, thìa, dĩa, dao, muỗng, nĩa, đũa, ly, cốc, ghế trẻ em, kìm hay kéo đều trong trạng thái sẵn sàng phục vụ.
Sau khi khách hàng sử dụng các dụng cụ được nêu trên, nhân viên phục vụ cần thực hiện lau rửa, vệ sinh sạch sẽ, bảo quản để tránh mất, hư hỏng, sứt mẻ, bẩn, gây mất thẩm mỹ. Trường hợp dụng cụ không đảm bảo về số lượng và chất lượng có thể ảnh hưởng tới lương thưởng cuối tháng.
Trong trường hợp gặp sự cố, phát hiện sự bất thường của các dụng cụ, vật phẩm của quán ăn, nhà hàng, nhân viên cần báo ngay với cấp trên, quản lý để kịp thời xử lý, không ảnh hưởng tới tình hình phục vụ.
5. Phối hợp với những bộ phận khác
Nếu quán ăn, nhà hàng đông khách, sau khi hoàn thành công việc của bản thân, nhân viên phục vụ có thể đến hỗ trợ các bộ phận khác theo sự phân công của cấp trên.
Khi khách gọi món, nhân viên phục vụ cần phối hợp chặt chẽ với thu ngân, quản lý, giám sát nhà hàng, bếp, kịp thời ghi nhận thông tin gộp hoặc tách bàn, thêm hoặc hủy món, xử lý phàn nàn hoặc tiếp nhận góp ý của khách hàng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ không thể bỏ qua khi mô tả công việc nhân viên phục vụ.
6. Thực hiện công việc cuối ca
Đối với những sự cố xảy ra tại quán ăn, nhà hàng trong ngày, nhân viên phục vụ cần tổng kết để báo cáo với quản lý, giám sát vào cuối mỗi ca.
Khi kết thúc ca, bạn cần bàn giao các phần công việc còn dang dở, những lưu ý phục vụ cụ thể cho người làm ca tiếp theo. Bên cạnh đó, bạn cũng cần thực hiện tổng vệ sinh cuối ca, rà soát một lượt hệ thống điện, nước. Nếu ca làm việc kết thúc vào cuối ngày, bạn cần ngắt cầu dao, tắt điện và khóa cửa cẩn thận trước khi ra về.
7. Công việc khác của nhân viên phục vụ
Theo mô tả công việc nhân viên phục vụ và lộ trình thăng tiến, nhân viên phục vụ có thể được đề bạt lên vị trí trưởng ca, giám sát, trợ lý quản lý nhà hàng, quản lý nhà hàng, quản lý bộ phận ẩm thực, giám đốc khối dịch vụ ẩm thực.
Tất nhiên, để được cất nhắc lên những vị trí cao hơn, bạn cũng cần cố gắng nâng cao kiến thức ẩm thực cũng như thái độ chuyên cần, chuyên môn nghiệp vụ của bản thân.
Tìm hiểu các bài viết liên quan:
Tìm hiểu ngay thông tin liên quan đến mô tả công việc bán hàng:
Mô tả công việc trưởng phòng kinh doanh |
Mô tả công việc chăm sóc khách hàng |
Mô tả công việc sale admin |
Mô tả công việc nhân viên bán hàng |
Mô tả công việc nhân viên kinh doanh |
Mô tả công việc nhân viên phục vụ |
Bài viết này đã cung cấp chi tiết mô tả công việc nhân viên phục vụ, thông qua đó bạn có thể xác định mình có phù hợp với công việc này hay không. Đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo của Job3s để không bỏ lỡ các cơ hội việc làm nhân viên phục vụ hấp dẫn.