Thông qua các câu hỏi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được ứng viên có phải là người mà họ đang tìm kiếm cho một vị trí cụ thể không. Dù là mỗi công ty sẽ có hình thức phỏng vấn và cách hỏi riêng nhưng chung quy lại, mục đích cuối cùng là để tìm người phù hợp. Để an toàn qua vòng phỏng vấn, bạn cần chuẩn bị tâm thế ổn định và có thể tham khảo bộ 50 câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời ăn điểm ngay lập tức mà Job3s gợi ý trong bài viết sau.
1. Các câu hỏi phỏng vấn giới thiệu bản thân
Để hiểu nhau hơn, bạn buộc cần trao đổi với nhà tuyển dụng về con người bạn. Hãy lựa chọn điểm mạnh rồi trình bày với nhà tuyển dụng và hạn chế đưa ra nhược điểm của bản thân.
Dưới đây là một số cách trả lời tham khảo.
Câu 1: Hãy giới thiệu về bản thân bạn?
Đây là một trong các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn ở bất kể lĩnh vực nào. Hãy chú ý cung cấp cho nhà tuyển dụng một cái nhìn tổng quan thông tin ngắn gọn về nền tảng chuyên môn của bạn, nêu bật những kinh nghiệm, kỹ năng và trình độ có liên quan. Tập trung vào thành tích bạn đã có liên quan mật thiết đến vị trí bạn đang muốn ứng tuyển.
Câu 2: Hãy nêu 3 từ để nói về bạn?
Câu hỏi này đòi hỏi mức độ tư duy nhanh về bản thân bạn. Thật khó để trả lời ngay nếu ai đó hỏi bạn câu này. Tuy nhiên, trong trường hợp bất ngờ, bạn hãy chậm lại rồi quan sát kỹ bản thân mình trong lúc phỏng vấn, bạn sẽ có được câu trả lời ngay.
Chú ý luôn thành thật ở mọi câu trả lời về bản thân vì ở trong các câu hỏi tiếp theo nhà tuyển dụng sẽ biết bạn là người trung thực hay nói dối.
Câu 3: Bạn có sở thích gì?
Bạn hãy đề cập đến các sở thích tích cực như chơi thể thao, dành thời gian đọc sách, đi thiện nguyện,… vào thời gian rỗi. Sau đó trình bày với nhà tuyển dụng về lợi ích cụ thể của sở thích này mang đến cho bạn trong công việc và cuộc sống. Để câu trả lời có sức thuyết phục nhất, hay lựa chọn sở thích liên quan trực tiếp đến vị trí bạn ứng tuyển.
Câu 4: Hãy kể về một câu chuyện khiến bạn tự hào?
Trong quá trình sống, lao động và học tập chắc chắn bạn sẽ trải qua rất nhiều câu chuyện. Hãy chọn một trong số đó và nếu được bài học bạn rút ra được để nhà tuyển dụng thấy được sự ham học hỏi và cầu tiến của bạn.
Ví dụ: Bạn có thể kể về các dự án bạn đã đảm nhận trong quá trình làm việc, kể về sự thành công, những thất bại mà bạn gặp trong suốt dự án, khi kết thúc dự án thì bạn và cả team đã mang lại những lợi ích gì cho công ty,…
Câu 5: Nêu 3 điều tích cực mà người khác nói về bạn?
Khéo léo thể hiện bản thân khi được hỏi câu hỏi này thông qua sự uy tín của người sếp hoặc người trưởng phòng bạn đã làm việc cùng. Ví dụ: “Sếp tôi đã từng nói với tôi, anh chưa gặp ai siêng năng, chăm chỉ, có sự chủ động và có tính hài hước như em.”
Câu 6: Điểm mạnh điểm yếu của bản thân là gì?
Chọn một số điểm mạnh có lợi cho vị trí ứng tuyển. Sau đó bạn có thể cung cấp các ví dụ hoặc câu chuyện cụ thể minh họa cách bạn đã thể hiện những điểm mạnh đó trong các vai trò trước đây. Hãy trình bày ngắn gọn và làm nổi bật những phẩm chất giúp bạn tạo sự khác biệt với các ứng viên khác.
Khi thảo luận với nhà tuyển dụng về những điểm yếu, bạn cần tập trung vào lĩnh vực mà bạn đã cải thiện hoặc đang tích cực làm việc để phát triển. Nhấn mạnh sự sẵn sàng học hỏi và phát triển của bạn. Sẽ rất hữu ích với nhà tuyển dụng nếu bạn đề cập đến các bước bạn đã thực hiện để giải quyết điểm yếu, chẳng hạn như tham gia các chương trình đào tạo hoặc tìm kiếm sự cố vấn từ chuyên gia.
2. Những câu hỏi phỏng vấn thường gặp về thái độ làm việc
Thái độ làm việc chính là yếu tố quyết định sự thành công của bạn trong sự nghiệp. Nhà tuyển dụng sẽ chọn ứng viên có thái độ làm việc tốt giữa 2 ứng viên đều có chuyên môn ngang bằng nhau. Do đó, bạn nên chú ý 5 câu hỏi phỏng vấn thái độ làm việc dưới đây.
Câu 7: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn?
Hãy thể hiện bản thân bạn là một người có ý chí tiến thủ, biết phấn đấu cho sự nghiệp tương lai của mình bằng các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn. Bạn muốn mình giữ vị trí nào trong công ty sau 2 năm, 5 năm cũng cần bày tỏ cho nhà tuyển dụng biết nhé. Để có câu trả lời tốt nhất, bạn nên đọc kỹ lộ trình thăng tiến vị trí bạn ứng tuyển trong công ty họ.
Câu 8: Bạn giải quyết áp lực bằng cách nào?
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được bạn là người có khả năng chịu được áp lực cao trong công việc hay không thông qua câu hỏi này. Nếu họ sử dụng để hỏi bạn, hãy trả lời với thái độ tự tin, cho họ thấy bạn đã có phương án để cân bằng chất lượng công việc và các vấn đề khác như tập yoga, đọc sách, nghe nhạc không lời, đi leo núi, chạy bộ,…
Câu 9: Động lực làm việc của bạn là gì?
Hãy tìm thấy động lực bên trong của bạn bằng cách đặt ra nhiều câu hỏi để hỏi bản thân mình. Nếu gặp dạng câu hỏi động lực, đừng trả lời một cách chung chung, mà hãy đưa ra câu trả lời thật chi tiết hướng đến việc bày tỏ mục đích sống và làm việc của bạn trong cuộc đời.
Ví dụ: “Tôi chọn công việc này vì nó cho tôi cảm giác được tự do làm những điều tôi muốn, điều tôi khao khát nhất cuộc đời mình là sự tự do.”
Câu 10: Quyết định lớn nhất trong 5 năm qua của bạn là gì?
Bạn sẽ thể hiện bản thân mình là một người đưa ra quyết định dựa trên sự nghiên cứu tỉ mỉ hay chỉ dựa vào sự nhất thời theo cảm xúc khi trả lời câu hỏi này. Nhà tuyển dụng sẽ nhận ra cách bạn ra quyết định, suy nghĩ và giải quyết vấn đề có phù hợp với công ty họ không. Nên câu trả lời cụ thể như thế nào sẽ phụ thuộc vào tính cách của riêng bạn.
Câu 11: Điều gì khiến bạn hứng thú khi làm việc ở môi trường cũ?
Hãy trả lời thành thật khi gặp câu hỏi này vì thông qua cách trả lời, nhà tuyển dụng sẽ biết bạn có phù hợp với văn hóa công ty họ không.
Ví dụ: “Tôi thấy hứng thú khi làm việc nhất chính là được làm việc cùng với những người đồng đội tuyệt vời, không nói xấu nhau, luôn muốn hướng đến mục tiêu chung của tổ chức.”
3. Bộ câu hỏi phỏng vấn sự phù hợp với công ty
Ngoài chuyên môn, thái độ thì tính cách và nguyện vọng của bạn đối với công việc sẽ quyết định bạn có phù hợp với công ty mà bạn đang ứng tuyển hay không. Bạn có thể tham khảo bộ câu hỏi phỏng vấn sự phù hợp của ứng viên với công ty sau đây:
Câu 12: Tại sao bạn ứng tuyển vào công ty chúng tôi?
Hãy tỏ ra bản thân mình là một người cầu tiến, ham học hỏi, nói rõ bản thân bạn sẽ giúp ích được công ty như thế nào khi chính thức gia nhập, kinh nghiệm cụ thể của bạn sẽ giúp công ty giải quyết vấn đề nào trong các hoạt động kinh doanh. Đừng trả lời một cách sơ sài rằng, bạn muốn ứng tuyển vào công ty vì thấy yêu thích công ty, yêu thích vị trí ứng tuyển.
Câu 13: Bạn đã biết gì về công ty của chúng tôi?
Nhà tuyển dụng sẽ rất vui nếu ứng viên đó tìm hiểu công ty họ kỹ, quan tâm đến các hoạt động trong doanh nghiệp một cách có chủ đích và muốn gia nhập hơn là chỉ giải quyết vấn đề có việc làm của ứng viên. Do đó, hãy nắm bắt thông tin về công ty họ thật nhiều thông qua nguồn tài nguyên sẵn có ở trên mạng internet và mạng xã hội nhé.
Câu 14: Hãy mô tả về cách làm việc của bạn?
Bạn sẽ cho họ thấy bản thân mình là người làm việc một cách khoa học, biết sắp xếp các thứ tự công việc ưu tiên trong cuộc sống khi trả lời câu hỏi này.
Bạn có thể trả lời như sau: “Tôi là một người có kế hoạch, tôi không thích cứ có việc thì mới chủ động làm, tôi luôn đưa ra cho mình một lịch trình cụ thể trong tuần, tháng, quý, năm để dễ dàng dõi tiến độ, cập nhật báo cáo với cấp trên.”
Câu 15: Bạn có ngại làm việc tăng ca không?
Bạn hãy xem xét tình trạng thực tế của bản thân để đưa ra hướng trả lời phù hợp. Nếu bạn là người đã có gia đình thì nên khéo léo trả lời rằng bạn không ngại việc tăng ca nhưng đó là những ngày bản thân bạn đã có người đưa đón con đi học.
Còn nếu bạn đang độc thân hãy thể hiện với nhà tuyển dụng bạn thích điều này vì bạn mong muốn hết mình với công việc, không để quãng thời gian thanh xuân của cuộc đời trôi đi một cách lãng phí.
Câu 16: Bạn nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với doanh nghiệp trong bao lâu?
Hầu hết các doanh nghiệp đều muốn hạn chế tối đa sự thay đổi về nhân sự. Tuy nhiên, nếu bạn đưa ra lời khẳng định quá chắc chắn thì cũng sẽ không nhận được sự đánh giá cao.
Với câu hỏi này, bạn nên đưa ra những câu trả lời thông minh, khéo léo một chút và theo hơi hướng tích cực. Bạn có thể thể hiện sự nhiệt huyết của mình, tuy nhiên đừng đưa ra một thời hạn cụ thể nào cả.
Ví dụ:
“Em nhận thấy công ty mình có định hướng phát triển rất tốt và rõ ràng. Chính vì thế nên nếu được chọn, em hy vọng có thể gắn bó trong thời gian lâu nhất có thể với công ty ạ.”
Câu 17: Bạn thích làm việc độc lập hay theo nhóm?
Tùy vào điều kiện môi trường, tình huống trong công việc mà bạn sẽ nhanh chóng lựa chọn cách làm việc độc lập hay theo nhóm để đạt được mục đích chung. Bởi vì làm việc theo cách nào cũng đều quan trọng cả, nếu bạn chưa giỏi cái nào thì hãy nói với nhà tuyển dụng rằng bạn sẽ cải thiện kỹ năng này một cách hoàn hảo nhất trong quá trình làm việc khi được gia nhập công ty.
Câu 18: Bạn muốn làm gì khác biệt ở vị trí mới?
Đừng dại gì kể về những vấn đề cũ bạn đã gặp khi đảm nhận vị trí tương tự như vị trí bạn đang ứng tuyển ở công ty cũ. Thay vào đó, hãy tập trung vào công ty hiện tại, truyền tải thông điệp với nhà tuyển dụng để họ hiểu bạn là người không ngại khó khăn để dấn thân làm điều mới, bạn thích trải nghiệm và sáng tạo ra những giá trị mới cho công ty.
Thông qua đó, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được bạn có thể đảm nhận vị trí nào trong tương lai nếu gia nhập công ty họ.
Câu 19: Môi trường làm việc thế nào thúc đẩy hiệu suất làm việc của bạn?
Ví dụ câu trả lời khi gặp câu hỏi phỏng vấn này như:
“Tôi đã từng làm việc ở cả hai môi trường và tôi nhận thấy môi trường nào cũng có những mặt tích cực và hạn chế riêng. Theo tôi, lựa chọn môi trường làm việc nào thì tùy thuộc vào loại hình công việc, tính chất công việc.
Có những dự án tôi cần phải làm việc một cách độc lập, tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm, làm chủ dự án, những lúc đó tôi cảm thấy mình hoạt động hết công suất và vận dụng hết khả năng của bản thân. Cũng có những dự án tôi làm việc theo nhóm vì tính chất công việc đòi hỏi các thành viên phải phối hợp với nhau, cùng nhau suy nghĩ và thực hiện”.
Câu 20: Bạn hình dung 1/2/3 tháng đầu tiên trong vị trí mới của mình thế nào?
Giai đoạn 30, 60 hay 90 ngày đầu tiên là lúc bạn đang ở vị trí nhân viên thử việc. Trong 30 ngày đầu tiên, bạn sẽ phải làm quen với quy trình của doanh nghiệp, ngồi lại với các vị trí chủ chốt và thích ứng với môi trường mới. 60-90 ngày là thời gian đủ để bạn thực hiện những đóng góp công sức và ý tưởng của mình trong doanh nghiệp.
Vì vậy, hãy thể hiện mình là một người có trách nhiệm trong công việc, có khả năng học hỏi, tiếp thu và đặc biệt là thích nghi với môi trường mới, biết trân trọng thời gian và cơ hội khi được gia nhập công ty.
Câu 21: Mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu?
Khi đã hiểu được cơ bản về năng lực cũng như kinh nghiệm của ứng viên, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu trao đổi tới chính sách và chế độ. Mức lương sẽ là câu hỏi đầu tiên của phần này.
Hầu hết các doanh nghiệp đều sẽ có những câu hỏi trước đó về mức thu nhập của bạn ở công ty cũ. Sau đó, họ sẽ dựa vào đó cũng như mức lương mong muốn của bạn để tiến hành trao đổi.
Để có thể trả lời tốt câu hỏi này, bạn nên tìm hiểu về mặt bằng chung mức lương trên thị trường trước. Khi đó bạn sẽ biết được dải lương chung cho kinh nghiệm và năng lực của mình là từ bao nhiêu.
Câu 22: Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi hay không?
Đây thường là những câu hỏi ở cuối buổi phỏng vấn, khi các ứng viên và doanh nghiệp đã trao đổi hết các vấn đề cần thiết. Khá nhiều ứng viên lo lắng rằng liệu trả lời là không thì có bị đánh giá không tốt hay không?
Tuy nhiên trên thực tế thì bạn không cần quá lo lắng với những câu hỏi như thế này. Nếu còn thắc mắc bạn cứ mạnh dạn đưa ra câu hỏi. Ví dụ như về quy trình làm việc, môi trường và đồng nghiệp,… hay những điều tương tự.
Ví dụ:
“Sau khi nghe anh/chị giới thiệu thì em cũng đã hiểu phần nào. Tuy nhiên em còn một số thắc mắc về quy trình làm việc và báo cáo. Không biết là anh/chị có thể làm rõ giúp em được không ạ?”
4. Các câu hỏi khi đi phỏng vấn nhằm đánh giá khả năng phản ứng
Trong quá trình làm việc, khả năng phản ứng trước mọi vấn đề bất ngờ xảy đến là điều cần phải được rèn luyện thường xuyên. Điều này là cần thiết ở bất cứ dạng công việc nào. Những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn đánh giá khả năng phản ứng của ứng viên bao gồm:
Câu 23: Tại sao chúng tôi phải chọn bạn?
Hãy đưa ra những lợi thế của bản thân để nhà tuyển dụng cảm thấy cần phải có bạn ngay trong công ty. Còn nếu như bạn không phải là người được chọn, cũng đừng tỏ ra phẫn nộ mà hãy là tỏ ra là người có suy nghĩ tích cực, nhận ra được bài học của bản thân thông qua trải nghiệm phỏng vấn vừa rồi. Họ sẽ đánh giá được thái độ của bạn khi làm việc tại công ty khi trả lời câu hỏi này.
Câu 24: Bạn cảm thấy vị trí này thế nào so với những nơi khác bạn ứng tuyển?
Nhà tuyển dụng đang muốn thăm dò sự hài lòng về chính sách, phúc lợi, mức lương thưởng mà công ty đãi ngộ. Với câu hỏi này, bạn có thể trả lời khen ngợi môi trường công ty tốt phù hợp với định hướng của bạn trong công việc, phúc lợi của công ty cao hơn nhiều so với các công ty khác mà em đã từng làm.
Câu 25: Lý do bạn nghỉ việc công ty cũ là gì?
Dù cho bạn không hài lòng cả về sếp và nhân viên công ty cũ bạn cũng không nên nói cho nhà tuyển dụng mới biết điều này. Bạn hãy điều hướng họ về việc bạn muốn phát triển bản thân hơn nữa trong môi trường mới, một câu trả lời không làm ảnh hưởng đến bất kỳ ai mà vẫn bảo vệ được danh dự của bạn.
Câu 26: Nếu sếp bạn sai hay cần góp ý bạn sẽ làm gì?
Nhà tuyển dụng sẽ biết bạn là người chủ động hay bị động khi thấy những vấn đề bất bình xung quanh. Trong trường hợp thấy sếp sai, bạn hãy lên tiếng chỉ rõ cái sai của sếp và góp ý với sếp.
Bởi vì nếu bạn không nói ra, mọi người trong công ty sẽ bị ảnh hưởng từ sếp, xa hơn nữa văn hóa công ty sẽ chuyển sang hướng tiêu cực và không còn ai muốn ứng tuyển. Bạn đừng lo, hãy tỏ ra chân thành, còn việc lắng nghe và tiếp thu hay không là việc của sếp.
5. Câu hỏi đánh giá kỹ năng làm việc nhóm
Trong môi trường công sở, bạn buộc phải làm việc nhóm với nhiều người. Thông qua một số câu hỏi đánh giá kỹ năng làm việc nhóm của bạn dưới đây, nhà tuyển dụng sẽ biết bạn là một người thích làm việc nhóm hay thích làm việc độc lập.
Câu 27: Phong cách quản lý của bạn là gì?
Đây là câu hỏi dành riêng cho vị trí cấp quản lý đã có nhiều năm kinh nghiệm. Nếu bạn là sinh viên ra trường thì không cần bận tâm đến câu hỏi này. Vì tầm quan trọng của vị trí, nên hãy cho thấy bản thân là người thấu cảm, quản lý vấn đề của nhân viên một cách tích cực, dẫn dắt đội nhóm để đạt mục đích chung của cả công ty.
Câu 28: Hãy chia sẻ về mối quan hệ nghề nghiệp tồi tệ bạn đã trải qua.
Bạn hãy lựa chọn cách trả lời khéo léo nhất và đừng nói ra những điểm yếu kém của sếp hay đồng nghiệp của mình. Và tuyệt đối không được đổ lỗi cho thất bại của dự án là lý do dẫn đến mối quan hệ tồi tệ. Loại “văn hóa đổ lỗi” này là điều chủ doanh nghiệp hoàn toàn không muốn tồn tại trong doanh nghiệp.
Câu 29: Đã bao giờ bạn bất đồng quan điểm với cấp trên chưa? Bạn đã làm gì trong trường hợp đó?
Trong môi trường công sở, sẽ có lúc bạn bất đồng quan điểm với cấp trên. Tuy nhiên, bạn hãy thể hiện sự cởi mở trong cách giải quyết vấn đề bất đồng này vì nhà tuyển dụng sẽ thấy rằng bạn là người có những ý tưởng khác biệt tạo nên những điểm nhấn. Đồng thời, họ cũng sẽ thấy được cách bạn giao tiếp với mọi người như thế nào qua việc xử lý những bất đồng với người khác trong công việc.
6. Một số câu hỏi phỏng vấn tình huống
Bạn sẽ khó tránh khỏi những câu hỏi tình huống trong lúc phỏng vấn vì đây là một thử thách mà nhà tuyển dụng đặt ra để đánh giá khả năng ứng biến của bạn so với ứng viên khác. Mời bạn khám phá 3 gợi ý câu hỏi tình huống phỏng vấn xin việc, các câu hỏi tình huống phỏng vấn câu lạc bộ và hướng trả lời sau đây.
Câu 30: Giải thích một khái niệm phức tạp bạn hiểu rõ trong 5 phút.
Khi gặp câu hỏi này, bạn nhớ đưa ra những khái niệm liên quan đến vị trí ứng tuyển. Điều này cho thấy sự nhiệt huyết trong công việc, nỗ lực hết mình để theo đuổi niềm đam mê dù bất cứ lý do gì cũng không bỏ cuộc. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn thông qua cách trình bày, tư duy về một chủ đề phức tạp mà bạn am hiểu.
Câu 31: Nếu bạn check mail thấy có 2000 mail mới mà chỉ có khả năng trả lời 300 mail thì bạn sẽ làm gì?
Câu hỏi này sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá được cách quản lý sắp xếp công việc của bạn có khoa học hay không, cách quản lý thời gian và sự ưu tiên trong mỗi hoàn cảnh. Điểm mấu chốt là bạn cần đưa ra hướng trả lời dựa trên sự sàng lọc nội dung của từng email. Vì chỉ giới hạn 300 email nên bạn chỉ được phép ưu tiên trả lời những tiêu đề email có sự khẩn cấp đến từ các mối quan hệ của bạn trong công việc và cuộc sống.
Câu 32: Là đại diện công ty thamg gia 1 sự kiện, bạn làm gì để tìm kiếm khách hàng tiềm năng?
Hãy hình dung bạn đang đại diện cho một tập thể, một thương hiệu. Vậy bạn cần làm thế nào để khách hàng biết tới, ấn tượng với thương hiệu công ty.
Ví dụ: “Khi là đại diện cho công ty tham gia sự kiện, tôi sẽ tìm hiểu trước thông tin về sự kiện, khách mời và công ty của họ. Tại sự kiện, tôi sẽ xây dựng mối quan hệ, kết nối với mọi người và tạo không khí thoải mái. Tôi sẽ tìm cách liên hệ và gửi danh thiếp để tìm kiếm khách hàng tiềm năng.”
Câu 33: Bạn sẽ làm gì để khởi nghiệp với 50.000 đô la?
Câu trả lời càng cụ thể càng tốt. Nếu bạn là người thích kinh doanh chắc hẳn đã có cho mình một kế hoạch kinh doanh trong đầu và chỉ chờ có cơ hội được trình bày. Câu hỏi sẽ kiểm tra sự nhạy bén và óc sáng tạo của bản thân bạn. Do đó hãy tư duy thật kỹ cách chia tiền vào từng công việc cụ thể trong kinh doanh để nhà tuyển dụng thấy kế hoạch kinh doanh của bạn có tính khả thi nhất.
7. Câu hỏi đánh giá khả năng học hỏi
Nhà tuyển dụng sẽ rất vui nếu tuyển được một người luôn có khả năng học hỏi ở bất cứ hoàn cảnh nào kể cả khi gặp thất bại trong cuộc đời. Dưới đây là 2 câu hỏi phổ biến và cách trả lời gợi ý.
Câu 34: Kể một sai lầm bạn từng phạm phải?
Không có một ai trong cuộc đời lại không gặp bất cứ một thất bại nào. Tuy nhiên, thái độ phản ứng của mỗi người lại rất khác nhau thể hiện nét tính cách riêng của người đó. Nhà tuyển dụng sẽ thích những ứng viên rút ra được bài học từ thất bại, thay vì đổ lỗi cho người và hoàn cảnh. Do đó, hãy điều hướng câu trả lời thể hiện sự khiêm tốn và sự tự nhận thức của bản thân.
Câu 35: Lần cuối bạn thay đổi quyết định về một điều quan trọng là bao giờ?
Đây cũng là dạng một trong những câu hỏi khi phỏng vấn nhằm đánh giá sự phát triển trong tư duy sống của bạn. Hãy kể về một sự kiện bất ngờ hoặc quyển sách, cá nhân nào đó bạn bắt gặp trên đường đời khiến thế giới quan của bạn thay đổi, từ đó bạn thay đổi luôn các quyết định của mình về mọi mặt trong cuộc sống.
8. Câu hỏi phỏng vấn việc làm cũ
Nếu bạn là một người đã đi làm nhiều nơi chắc chắn không thể quên chuẩn bị nhóm câu hỏi phỏng vấn về các công việc cũ bạn đã làm.
Câu 36: Điều gì ở đồng nghiệp khiến bạn khó chịu?
Đừng thật thà kể về những gì bạn thấy khó chịu với đồng nghiệp cũ vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người nhỏ mọn, ích kỷ và nghĩ bạn sẽ tạo ảnh hưởng xấu cho các đồng nghiệp nếu nhận bạn vào làm. Thay vào đó, hãy khéo léo nói về sự ăn ý của bạn và đồng nghiệp để nhà tuyển dụng thấy bạn là người hòa đồng, thân thiện với mọi người đều vị mục đích chung của cả công ty.
Câu 37: Điều làm bạn hài lòng và không hài lòng nhất khi làm công việc cũ?
Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được bạn có phù hợp với môi trường công ty của họ hay không dựa vào nét tương đồng của công ty trước bạn làm và công ty của họ. Do đó, hãy nghiên cứu môi trường công ty mà bạn ứng tuyển thật kỹ để chọn hướng trả lời có lợi cho bạn nhất.
Câu 38: Điều gì khiến bạn hào hứng để thức dậy và đi làm?
Nhà tuyển dụng sẽ biết bạn đi làm vì mục đích gì thông qua câu hỏi này, hơn nữa họ còn biết được ở công ty cũ có điều gì khiến bạn hứng thú khi làm việc và cân nhắc xem môi trường của họ có đáp ứng được yêu cầu của bạn không. Từ đây, họ nắm được yếu tố khiến bạn gắn bó ở một công ty lâu dài và đưa ra quyết định nên chọn bạn hay chọn ứng viên khác.
9. Cách đặt câu hỏi khéo léo cho nhà tuyển dụng
Buổi phỏng vấn không chỉ là cách nhà tuyển dụng tìm ứng viên mà đây cũng là cơ hội để ứng viên tìm được công ty phù hợp với nguyện vọng bản thân. Do vậy, khi phỏng vấn cần sự tương tác và phản hồi của cả 2 phía. Sau phần nhà tuyển dụng đặt câu hỏi thì trước đó bạn hãy tự lên list câu hỏi phỏng vấn đặt lại vấn đề cho nhà tuyển dụng. Dưới đây là một số câu hỏi gợi ý:
- Tôi sẽ phải báo cáo công việc của mình theo tuần hay theo tháng? Ai là người mà tôi sẽ trực tiếp báo cáo công việc?
- Những kỹ năng, chuyên môn cần có cho vị trí này là gì? (Mặc dù điều này có thể bạn đã biết, tuy nhiên việc bạn lắng nghe từ chính nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ đầy đủ và giúp bạn hiểu rõ hơn về tính chất công việc).
- Anh/Chị có thể cho tôi biết về thời gian làm việc của công ty nếu tôi được nhận không?
- Anh/Chị có thể cho tôi biết về cơ cấu tổ chức cũng như giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn của công ty mình không?
- Anh/Chị có thể chia sẻ một chút về mục tiêu phát triển của công ty trong 5 – 10 năm tới được không?
- Anh/Chị có thể cho tôi biết về ưu, khuyết điểm cũng như trách nhiệm của người trước đây đảm nhận công việc này không? Để tôi có thể hiểu rõ hơn về vị trí này.
- Vị trí này có chế độ đãi ngộ gì cho nhân viên mới và nhân viên chính thức?
10. Tips trả lời phỏng vấn xin việc thông minh
Hằng năm, số lượng sinh viên ra trường rất lớn chưa kể một bộ phận du học sinh ở nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp cũng không phải ít. Do vậy, 1 cuộc phỏng vấn sẽ có rất nhiều người đăng ký và tỉ lệ chọi cũng rất cao. Để giúp bạn gia tăng năng lực cạnh tranh với các ứng viên khác, Job3s mách bạn một số tips trả lời phỏng vấn sau đây.
Tìm hiểu kỹ về vị trí ứng tuyển và công ty
Nắm vững các thông tin về công ty bạn chuẩn bị ứng tuyển sẽ giúp bạn không bị bối rối khi nhà tuyển dụng đặt các câu hỏi xoay quanh công ty họ. Hơn nữa, bạn sẽ được họ đánh giá cao vì có sự nhiệt huyết với công việc ứng tuyển, không nhất thời ứng tuyển “vô tội vạ” để giải quyết vấn đề cá nhân trước mắt.
Học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước
Sẽ có những góc khuất và nhiều câu chuyện đằng sau chỉ nằm trong trải nghiệm của những người đi trước. Hãy mạnh dạn kết nối với họ giúp bạn có nhiều góc nhìn hơn cho cuộc phỏng vấn sắp diễn ra.
Luyện tập phỏng vấn
Luyện tập bằng các gợi ý của Job3s với bạn bè, người thân hoặc đứng trước gương xem thần thái, biểu cảm khuôn mặt có điểm gì chưa được để chỉnh sửa. Tham khảo các bài phỏng vấn mẫu giúp bạn thêm tư duy, vốn từ, từ đó có khả năng ứng biến nhanh trước các tình huống bất ngờ mà nhà tuyển dụng.
Chuẩn bị câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Hãy hỏi để thể hiện sự quan tâm và nhiệt huyết với công ty và vị trí ứng tuyển, cũng cho nhà tuyển dụng thấy tư duy và tầm nhìn của bạn.
Nói đúng trọng tâm
Tránh chia sẻ quá nhiều về thông tin cá nhân, trả lời không đủ ý mà hãy tập trung thuyết trình kinh nghiệm, chuyên môn mà bạn đã có được liên quan đến vị trí ứng tuyển. Hãy chậm lại khoảng từ 1- 3s để suy nghĩ xem nhà tuyển dụng mong muốn nhận được câu trả lời như thế nào. Sau đó mới đưa ra câu trả lời chính xác và thấu đáo nhất.
Tìm hiểu các bài viết liên quan:
Tham khảo ngay các câu hỏi phỏng vấn phổ biến đa dạng ngành nghề, lĩnh vực:
Phỏng vấn tiếng anh |
Phỏng vấn marketing |
Phỏng vấn content marketing |
Phỏng vấn ban sự kiện |
Phỏng vấn câu lạc bộ |
Phỏng vấn thực tập sinh |
Câu hỏi cho nhà tuyển dụng |
Phỏng vấn lễ tân khách sạn |
Phỏng vấn front end |
Phỏng vấn ban đối ngoại |
Đặt câu hỏi phỏng vấn |
Phỏng vấn giao dịch viên |
Phỏng vấn designer |
Phỏng vấn nodejs |
Phỏng vấn nhân viên kinh doanh |
Phỏng vấn kế toán |
Phỏng vấn ngân hàng |
Phỏng vấn tester |
Phỏng vấn sql |
Vượt qua các câu hỏi phỏng vấn hay và hóc búa từ nhà tuyển dụng là một bước trong nấc thang phát triển sự nghiệp riêng của bạn sau này. Hy vọng với danh sách câu hỏi và cách trả lời gợi ý cũng như một số tips trả lời các câu hỏi phỏng vấn thành công mà Job3s đã cung cấp đến bạn ở bài viết trên. Bạn sẽ tự tin tham gia cuộc phỏng vấn của bất kỳ nhà tuyển dụng nào với một thần thái bản lĩnh nhất.